Em kết hôn tháng 1/2005 và đã có 2 con, một gái, một trai. Trong thời gian sinh sống vợ chồng không xảy ra mâu thuẫn gì. Nhưng sau đó, chồng em lại ngoại tình với cô kế toán cơ quan, từ đó bỏ bê mẹ con, ra ngoài sống đến nay đã 3 tháng.

TIN BÀI KHÁC

Vừa qua chồng em làm đơn ra tòa đòi ly hôn, xin hỏi:

1- Em có thể đòi quyền nuôi cả 2 đứa con được không? (bé trai được 12 tháng 10 ngày tuổi, bé gái đến tháng 11/2014 đủ 9 tuổi)

2- Ngày 29/5/2014 khi bé trai đủ 12 tháng. Ngày 30/5/2014 (thứ 6) chồng em gửi đơn ly hôn ra Tòa, đến ngày thứ 2 (02/6/2014) Tòa đã gọi điện thoại yêu cầu em đến Tòa như thế có đúng quy định của pháp luật không?

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

1. Về quyền nuôi con sau khi ly hôn.

Theo khoản 2, Điều 92, Luật Hôn nhân gia đình quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn thì:

“ Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.”

Như vậy, dẫn chiếu vào trường hợp bạn trình bày, do bạn đã có 2 con (cháu gái gần 9 tuổi và cháu trai 12 tháng 10 ngày tuổi) nên về nguyên tắc nếu vợ chồng bạn không có thỏa thuận khác, cháu trai hơn 12 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, còn cháu gái 9 tuổi có thể được giao cho người bố nuôi và có xem xét nguyện vọng của cháu tại Tòa.

Trường hợp bạn muốn nuôi cả hai con thì khi ra Tòa bạn cần chứng minh được mình có thu nhập, có điều kiện chăm sóc cho hai cháu tốt hơn chồng về mọi mặt để nuôi con, chứng cứ chồng ngoại tình không thể chăm sóc tốt cho các con cũng là một yếu tố thuận lợi để Tòa xem xét quyền nuôi con của bạn.

Nếu Tòa xử cho bạn nuôi cả hai cháu thì người chồng không trực tiếp nuôi con sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.

2. Về thủ tục, thời gian thụ lý đơn ly hôn.

Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn được quy định trong điều 85- Luật HNGĐ: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Theo quy định tại khoản 2 điều 85 LHNGĐ 2000 quy định rằng “Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn".

Theo thông tin bạn cung cấp, thì con bạn đã đủ 12 tháng tuổi vì vậy chồng bạn có quyền xin ly hôn.

Khoản 1, Điều 179 BLTTDS (sửa đổi 2011) quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án định tại Điều 27 của Bộ luật này là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Do vậy, sau khi xét thấy các căn cứ xin ly hôn là hợp pháp, không rơi vào các trường hợp không có quyền yêu cầu xin ly hôn thì việc Tòa thụ lý đơn của người chồng là hợp pháp. Theo điều 88- Luật HNGĐ 2000, sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).