Thường vào thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia có dấu hiệu tăng lên.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 5/12/2023 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.

Theo đó, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, dừng, đỗ trái phép…

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật là một trong các biện pháp giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là trong dịp cận Tết và Tết.

w thoi nong do con 1243 1 262.jpeg
CSGT kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. (Ảnh: Đình Hiếu)

Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, ở Việt Nam đã có quy định: Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông chưa gây tai nạn nhưng có khả năng gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng (nếu không ngăn chặn kịp thời) sẽ bị phạt tù tới 1 năm.

Việc này được quy định tại khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Theo luật sư, quy định này phù hợp với xu hướng nâng chế tài đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ, răn đe đối với những hành vi đe dọa gây ra nguy hiểm cho những người tham gia giao thông đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nội dung này chưa có văn bản hướng dẫn nên trong thực tế chưa có trường hợp nào uống rượu say điều khiển phương tiện giao thông chưa gây tai nạn mà bị xử lý hình sự. Bởi vậy, tinh thần và mục tiêu của nội dung này trong điều luật hầu như vẫn ở "trên giấy".

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý quyết liệt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức mất kiểm soát hành vi thì cần có hướng dẫn quy định ở mức độ nồng độ cồn nhất định sẽ xử lý hình sự về tội danh này mà không phụ thuộc vào vụ tai nạn giao thông đã xảy ra hay chưa, không phụ thuộc vào hậu quả của vụ tai nạn giao thông.

Luật sư cho rằng, trong bối cảnh hành vi vi phạm nồng độ cồn đang diễn biến phức tạp, những vụ tai nạn giao thông do người say rượu gây ra hậu quả rất thảm khốc như hiện nay thì cần phải có hướng dẫn hoặc án lệ về khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự để áp dụng nhằm răn đe đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu để phân hóa, phân loại các mức độ vi phạm nồng độ cồn nhằm xác định vượt quá một ngưỡng nhất định mới xử phạt vi phạm hành chính; nếu vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất dẫn đến có thể mất khả năng kiểm soát hành vi, thực tế có thể gây ra tai nạn giao thông, thì có thể áp dụng chế tài hình sự theo khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Điều 260 Bộ luật Hình sự: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.