Ngày 1/1/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình hạ tầng giao thông.

Công điện nêu rõ, Đại hội Đảng lần thứ 13 xác định mục tiêu cả nước đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Giai đoạn 2021-2025 đã tập trung tối đa nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, gấp 3 lần so với giai đoạn 2016-2020. 

caotoc.jpg
Sáng 1/1, ngày đầu tiên của năm mới 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Nhật Bắc

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương; các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, nhà thầu xây lắp, nhà thầu tư vấn, các kỹ sư, công nhân đã quyết liệt, tích cực triển khai các dự án, công trình giao thông quan trọng quốc gia và nhiều công trình đã làm việc liên tục “3 ca, 4 kíp”, thi công xây dựng cả trong các ngày thứ bảy, chủ nhật, lễ, tết.

Nhờ đó đến nay đã thi công nhiều dự án giao thông (đường bộ cao tốc, cảng hàng không, đường sắt, hàng hải…) và trong năm 2023 đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án; trong đó, có 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475km, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 729km và nâng tổng số cao tốc của cả nước lên gần 1.900km.

Thi công ‘3 ca 4 kíp’, làm việc xuyên lễ, xuyên tết

Ghi nhận tinh thần này tiếp tục được phát huy ngay trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024, Thủ tướng chúc mừng năm mới thắng lợi mới, cảm ơn, ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng tham gia thi công, tư vấn, các cán bộ, công nhân đã nỗ lực, quyết tâm để đưa các công trình về đích đúng tiến độ, vượt tiến độ, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động…

Với tinh thần “Tất cả vì hạnh phúc ấm no của nhân dân, vì sự phát triển hùng cường của đất nước” và để phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, kịp thời khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường.

Trong đó có trên 1.700km cao tốc kết nối Bắc - Nam và các cao tốc kết nối Đông - Tây; các cây cầu lớn, các dự án cảng hàng không nội địa, quốc tế, các tuyến đường sắt, các cảng biển, tuyến đường thủy nội địa.

Đồng thời, sớm hoàn thành thủ tục, khởi công thêm các dự án mới, công trình hạ tầng giao thông.

caotoc-6-1.jpg
Trong năm 2023 đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án; trong đó, có 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475km

Một số yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể như sau:

Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “không thua đại dịch”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” thi công "3 ca 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên tết, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa khô năm 2024, trách nhiệm hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng các công trình, dự án, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ đề ra.

Thủ tướng lưu ý, trong mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia triển khai dự án, công trình cần đồng tâm hiệp lực, “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”, quyết tâm cao nhất, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để vượt qua mọi thách thức, đưa công trình về đích.

Nâng cao chất lượng công trình trong từng khâu, từng công đoạn; nỗ lực, đổi mới, sáng tạo ngay từ khâu ý tưởng thiết kế để công trình, dự án không những có chất lượng tốt nhất mà còn thể hiện được nét, dấu ấn văn hóa đặc sắc, các giá trị lịch sử của vùng, miền, địa danh.

Với các bộ trưởng có liên quan, nhất là Bộ trưởng Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành có dự án hạ tầng giao thông đang triển khai đầu tư xây dựng, Thủ tướng cũng đặt ra hàng loạt nhiệm vụ. 

Trong đó, cần nỗ lực hơn nữa, tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật; quan tâm đến công tác xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm các điều kiện sản xuất kinh doanh, sinh hoạt bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; tháo gỡ vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng; thực hiện tốt phương châm “đi dân nhớ, ở dân thương”...

Đồng thời tạo khí thế mới, nâng cao tinh thần thi đua sôi nổi lao động sản xuất tại các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đặc biệt là công tác lựa chọn nhà đầu tư để khởi công các dự án đường bộ cao tốc trong năm 2024 theo đúng kế hoạch đã đặt ra.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ ngành liên quan tương ứng với chức năng, nhiệm vụ của mình. 

Cấp phép khẩn trương mỏ vật liệu 

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án hạ tầng giao thông đang triển khai xây dựng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền vận động người dân để đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng...

Các địa phương phối hợp cấp phép khẩn trương mỏ vật liệu nhất là các mỏ theo cơ chế đặc thù, rà soát các mỏ vật liệu thông thường tại địa phương để bảo đảm nguồn cung, bảo đảm công suất đáp ứng tiến độ thi công các dự án và hoàn nguyên trạng sau khi kết thúc. 

Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng bảo đảm tiến độ, chất lượng và vệ sinh, an toàn cho các dự án, công trình.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.