Chiều 9/1, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, ông chủ động yêu cầu làm việc và tham dự hội nghị của Tổng công ty, vì một loạt lý do: nhìn thấy sự thay đổi và muốn nghe tường tận hơn, đến trực tiếp tại ga Hà Nội xem đổi mới những gì? 

Sau chuyến đi thị sát tại ga Hà Nội, Thủ tướng ấn tượng khi hỏi nhân viên đường sắt về sự đổi thay, và nhận được câu trả lời: Tàu đẹp hơn, sân ga đẹp hơn và lương đủ. 

Tương tự, một hành khách cũng rất thật nói với Thủ tướng: “Đi tàu bây giờ sướng lắm bác ạ, ngồi nhà cũng mua được vé, trên tàu sạch sẽ, dịch vụ thoải mái, tàu chạy đúng giờ, khu vực đợi tàu thông thoáng…”.

thu tuong.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi cán bộ ga Hà Nội 

Đánh giá cao Tổng công ty đường sắt đã có nhiều tiến bộ trong năm 2023, Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng với nhiều hoạt động của ngành như: “đường tàu, đường hoa”, “mỗi cung đường một đường hoa, mỗi nhà ga một điểm đến”.

“Tôi thực sự có nhiều ấn tượng, cảm xúc với những đổi mới của ngành đường sắt. Điều này chứng minh nếu chúng ta muốn làm, quyết tâm sẽ làm được. Thay mặt Chính phủ tôi gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ công nhân viên của ngành”, Thủ tướng nói. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, Tổng Công ty không chủ quan, lơ là với những kết quả bước đầu. Đặc biệt, Thủ tướng cũng trăn trở với sự phát triển của ngành đường sắt, dù đã ra đời 140 năm nhưng chưa xứng tầm với lịch sử và mong muốn của nhân dân. 

Do đó, Thủ tướng đề nghị Tổng Công ty cần nâng cao hiệu quả hệ thống đường sắt. Cụ thể, phải sớm hoàn thiện thể chế chính sách để huy động nguồn lực sẵn có từ hơn 300 nhà ga, đường sắt sẵn có, 22.000 con người để phù hợp với sự phát triển mới, xu thế của thời đại, công nghệ hiện đại. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ GTVT, Tổng Công ty tập trung nghiên cứu xây dựng đề án. 

Bộ Chính trị đã cho chủ trương, do đó Thủ tướng yêu cầu năm 2024, Bộ GTVT phải trình được dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. 

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Ủy ban Quản lý  vốn Nhà nước, Bộ GTVT trong năm 2024 tập trung tái cơ cấu phù hợp với điều kiện hoàn cảnh Việt Nam, phù hợp với chức năng quyền hạn của ngành đường sắt.

“Tái cơ cấu để sử dụng khai thác có hiệu quả tài sản, tài chính đang có của Tổng Công ty đường sắt làm sao mang lại sự phát triển cả trước mắt và lâu dài. Tái cơ cấu lại bộ máy tổ chức làm sao phù hợp với nền kinh tế thị trường, đồng thời tái cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức với phương châm giảm số lượng tăng chất lượng”, Thủ tướng chỉ đạo. 

Giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Thủ tướng đề nghị đơn vị đã quyết tâm rồi thì quyết tâm hơn, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn… Năm 2024 có thành tích, kết quả cao hơn năm 2023. 

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Tổng Công ty đang được giao quản lý hệ thống đường sắt có tổng chiều dài 3.143 km, 297 khu ga… đi qua 34 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam. Trong 5 tuyến chính có 2 tuyến liên vận quốc tế kết nối với đường sắt Trung Quốc và hệ thống cầu, hầm, thông tin tín hiệu đường sắt.

duong sat.jpg
Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh báo cáo tại hội nghị

Trong năm 2023, tổng doanh thu của Tổng Công ty là hơn 8.500 tỷ đồng (đạt 101,7% kế hoạch năm). Lợi nhuận sau thuế 94,8 tỷ đồng.

“Đây cũng là năm Tổng công ty đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh có lãi, sau 3 năm liên tiếp hoạt động kinh doanh bị thua lỗ nặng nề bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, đại diện Tổng Công ty thông tin. 

Đối với dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam, đại diện Tổng Công ty cũng cho biết, thời gian qua đơn vị đã tích cực, chủ động tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng đề án.

Ngoài ra, Tổng công ty đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác do lãnh đạo Tổng công ty trực tiếp tham gia để nghiên cứu xây dựng các đề án liên quan, làm cơ sở tham gia phối hợp với các Bộ, cơ quan chuyên môn...