Thông tin từ Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), sau 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, tổng số lượt người hưởng BHXH một lần là khoảng 4,5 triệu. Trong đó, có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tham gia bảo hiểm xã hội. Đây là vấn đề đáng lưu tâm với các cơ quan soạn thảo.

Từ thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia, để hưởng chế độ hưu trí. Đồng thời, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Do vậy, Dự thảo Luật BHXH đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu như: Giảm thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu từ 20 xuống còn 15 năm; được hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng.

Ngoài ra, người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận BHXH một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH thì được hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động.

Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc, chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
2 phương án rút BHXH một lần

Về quy định hưởng BHXH một lần, Ban soạn thảo Luật BHXH sửa đổi đã đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. 

Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Đa số người lao động rơi vào tình cảnh khó khăn mới quyết định rút BHXH một lần

Như vậy, việc hưởng BHXH một lần đối với người lao động “sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm” vẫn tiếp tục thực hiện đối với người lao động đang tham gia từ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia BHXH).

Không nên để người lao động rút hết BHXH một lần

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, nên tiếp tục giữ quy định về BHXH một lần như Điều 60 Luật BHXH năm 2014. Không được rút BHXH một lần khi còn tuổi lao động, trừ trường hợp đi nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo.

Thay vì cho rút một lần, Nhà nước cần có chính sách tín dụng để hỗ trợ cho lao động vay với lãi suất ưu đãi khi gặp khó khăn, để ổn định tìm việc làm. Từ đó, người lao động sẽ có thêm cơ hội tiếp tục đóng BHXH cho đến khi hết tuổi lao động, được hưởng lương hưu.

Một chuyên gia lao động nhìn nhận, hiện nay đa số người lao động rút BHXH một lần là do rất khó khăn, nhưng nếu rút hết “một cục” người lao động sẽ không được hưởng bất kỳ chính sách gì từ BHXH. Do vậy, chỉ nên quy định cho rút một phần không quá 50% BHXH, phần còn lại để hướng người lao động tái tham gia BHXH, hướng tới hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.

Thế nhưng cũng phải chấp nhận một thực tế, khi người lao động rút 50% BHXH, đồng nghĩa mất nửa thời gian đóng. Khi tái tham gia trở lại, người lao động có số năm tham gia BHXH ít, dẫn đến mức hưởng hưu trí, trợ cấp rất thấp.

Vũ Văn Điệp, Nguyễn Thị Thu Hằng, Trần Thị Hồng Nhì, Lê Diệu Thúy