Đề xuất phương án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hoá, du lịch, tâm linh của Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) được nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đồng tình nhằm phục hồi giá trị văn hóa, lịch sử rất quan trọng của dòng sông trong suốt chiều dài 1.000 năm hình thành, phát triển Thăng Long - Hà Nội.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải bàn bạc kỹ lưỡng, kết hợp ý kiến của các chuyên gia liên ngành bởi thực tế, sông Tô Lịch là điểm hẹn của rất nhiều các nghiên cứu nhưng đều chưa được thực hiện trọn vẹn. 

Nguyên nhân lớn nhất là do chưa đưa ra được phương án giải quyết những vấn đề tổng thể của cả hệ thống.

Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm dịch thuật – Dịch vụ văn hoá & khoa học (CTCS), đơn vị tham gia cùng Công ty JVE cho hay, mục tiêu trọng tâm là giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch. 

Khi vấn đề này được giải quyết, CTCS, JVE Group và đối tác Nhật Bản sẽ tiến hành xây dựng Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh Tô Lịch, với hệ thống phù điêu tóm tắt lịch sử các triều đại, cụm tượng đài các danh nhân văn hóa, sân khấu nghệ thuật, tranh tường, 63 không gian văn hóa của các tỉnh thành, hệ thống cây xanh…

Diện mạo mới của sông Tô Lịch nếu đề xuất được TP Hà Nội chấp thuận. Ảnh: JVE

"Nếu chúng ta không có quyết tâm cao, có giải pháp khoa học, đúng đắn để cải tạo sông Tô Lịch thì nơi đây sẽ biến thành dòng sông chết”, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhìn nhận.

KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá cao ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hóa song cho rằng, dự án cần kế thừa những điểm mạnh, điểm yếu của các công trình trước đó để rút ra kinh nghiệm và thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.

“Ý tưởng xây đường cao tốc ngầm và hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch chưa nên bàn vội mà phải xác định mục tiêu và nguồn vốn cụ thể. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố phải tính đến việc kết nối sông Tô Lịch với các sông hồ khác để tăng khả năng thoát nước, giải quyết vấn đề úng ngập”, ông Nghiêm nói.

Từ năm 2011, Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên bờ tuyến sông Tô Lịch, trong đó yêu cầu tạo lập phát huy vai trò của mặt nước, tạo cảnh quan hai bên bờ sông, kết nối trục không gian hai bên…  Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông này chưa được giải quyết.

 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn

Nhìn nhận về vấn đề này, trong buổi hội thảo diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, các đề xuất, giải pháp cải tạo sông Tô Lịch là những nội dung rất cần được nghiên cứu trong quá trình điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô tới đây.

Tuy nhiên, JVE mới chỉ đề xuất các giải pháp về không gian kiến trúc, cảnh quan và thoát nước trong ranh giới sông Tô Lịch mà chưa có sự nghiên cứu trong mối liên hệ tổng thể giữa sông Tô Lịch với sông Lừ, sông Sét cũng như hệ thống thoát nước, tưới tiêu, thu gom nước thải… của TP.

Việc tính toán cường độ thoát nước 500m3/2 giờ đòi hỏi đầu tư lớn, phải mở rộng tuyến cống ở các dự án đã và đang triển khai, nâng công suất các trạm bơm hiện có. Vì vậy, đây là nội dung cần nghiên cứu sâu để đáp ứng về mặt kỹ thuật.

Về đề xuất làm hầm thoát nước kết hợp đường cao tốc dài 11km dọc sông Tô Lịch, ông Tuấn nhận định đây là những giải phải tương đối mới về kỹ thuật và công nghệ, cần được xem xét. 

Bên cạnh đó, nguồn lực để thực hiện đề xuất là rất lớn, cần có phương án tính toán kinh phí xây dựng, hình thức đầu tư để xem xét chứng minh tính khả thi của đề xuất. 

Ông Tuấn đề nghị phía JVE tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất cải tạo sông Tô Lịch để làm cơ sở lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.

Lo lắng về một “đại công trường” nếu chậm tiến độ

Không riêng các chuyên gia, nhà khoa học, nhiều người dân Thủ đô cũng rất quan tâm đến đề xuất này . 

Nhiều người dân Thủ đô quan tâm về tương lai của con sông lịch sử. Ảnh: Kiên Trung

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn (phường Quán Thánh) chia sẻ: “Ý tưởng táo bạo, đột phá. Tôi rất đồng tình và kỳ vọng, nếu đề xuất này được triển khai bài bản sẽ là cơ hội để hồi sinh dòng sông lịch sử”.

Tuy nhiên, điều anh Tuấn băn khoăn, đó là kinh phí để triển khai dự án.

“Quy trình để vay vốn ODA không phải một sớm một chiều. Thứ hai, đây là dự án phức hợp, đa mục tiêu, vừa giải quyết bài toán giao thông đô thị - ngập úng, vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường và xây dựng một không gian văn hoá chưa từng có trên bề mặt một dòng sông.

Mục tiêu đặt ra rất lớn đồng nghĩa với nguồn kinh phí khổng lồ. Nếu giải quyết được bài toán kinh tế, phương án thiết kế - thi công, tôi mong muốn dự án này sẽ được triển khai đúng tiến độ, đừng bao giờ là một dự án “lầy lội” về thời gian thi công. Bởi, nếu nó là một công trường chậm tiến độ kéo dài từ năm này sang năm khác sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người dân thuộc các quận/huyện mà dòng sông đi qua”, anh Tuấn nói. 

Tháng 9/2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" bằng nguồn vốn Nhật Bản.

Năm 2021, ý tưởng này được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do Báo Thể thao Văn hoá – đơn vị tổ chức, trao tặng.