Tại cuộc gặp mặt báo chí thông tin y tế tháng 12 vừa diễn ra tại Bộ Y tế, phóng viên phản ánh tình trạng bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như ung thư đi khám ở bệnh viện tuyến cuối, sau đó phải tái khám nhiều lần trong năm, nhưng mỗi lần tái khám lại bị yêu cầu phải có giấy chuyển tuyến/chuyển viện mới được thanh toán BHYT.

Do thủ tục rườm rà, nhiều bệnh nhân không đủ kiên nhẫn xin giấy chuyển nên tự bỏ tiền đi khám dịch vụ (không được thanh toán BHYT) dù hạn chế khả năng kinh tế. Một số người thậm chí không còn tuân thủ tái khám.

Trả lời báo chí, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Bộ Y tế, cho hay "đúng là có tình trạng này xảy ra tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng có tình trạng này".

Bà Trang cho biết Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để giải quyết những khó khăn liên quan đến giấy hẹn khám lại, đặt lịch khám lại. Trong đó, các cơ sở phải phân luồng hẹn tái khám, thực hiện hệ thống hẹn lịch trên điện thoại, online… để không có quá nhiều bệnh nhân dồn ứ trong cùng một thời điểm gây kéo dài thời gian chờ đợi.

giayhenkhamlai.jpg
Mẫu giấy hẹn khám lại theo quy định cũ. Ảnh: Võ Thu 

Về giấy hẹn tái khám (khám lại) theo quy định cũ, bệnh nhân được hẹn khám lại vào một thời điểm nhất định hoặc đến bất kỳ thời gian nào trước ngày hẹn khám lại nếu có dấu hiệu (triệu chứng) bất thường. Giấy hẹn chỉ có giá trị sử dụng 1 lần trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được hẹn khám lại. 

Như vậy, trường hợp đi khám chữa bệnh sau thời hạn của giấy hẹn tái khám sẽ không được hưởng 100% chi phí BHYT (theo mức hưởng ghi trên thẻ). Nếu quá 10 ngày mà không đi khám lại, giấy hẹn sẽ hết hiệu lực, nếu muốn hưởng BHYT đúng tuyến phải xin giấy chuyển tuyến đúng quy định.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 75 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 146 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (có hiệu lực từ 3/12) cũng có quy định liên quan giấy hẹn này.

Theo mẫu giấy mới, bệnh nhân được hẹn khám lại vào thời điểm cụ thể, hoặc đến bất kỳ thời gian nào trước ngày hẹn khám lại nếu có dấu hiệu (triệu chứng) bất thường. Trường hợp quá thời gian hẹn khám lại, trong thời gian 10 ngày kể từ ngày được hẹn khám lại, người bệnh liên hệ nhân viên y tế để đăng ký lịch khám phù hợp hoặc tự đến khám lại. 

“Nếu người bệnh không thể quay lại trong vòng thời gian 10 ngày của giấy hẹn khám lại, có thể liên hệ trước với cơ sở y tế để đề nghị một lịch hẹn khác. Như thế, bệnh nhân không phải xin giấy lại giấy hẹn và không phải chờ đợi”, bà Trang nói.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa các giấy tờ như giấy chuyển tuyến, giấy ra viện và khám lại theo hình thức điện tử. Đơn vị này đang xin ý kiến các cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXHvề các trường thông tin số hóa các loại giấy tờ này.

“Sau khi được ban hành sẽ chạy thử 6 tháng, nếu phù hợp sẽ giúp giảm phiền hà cho người bệnh", theo bà Trang. Theo đó, giấy điện tử có thể tích hợp vào ứng dụng thẻ BHYT, mã thẻ BHYT của người bệnh.

Khi đến cơ sở yêu cầu giấy hẹn tái khám, bệnh nhân có thể mang thẻ BHYT điện tử hoặc mã định danh công dân trình cơ sở tiếp nhận để được khám chữa bệnh, hưởng BHYT theo quy định. Hoặc thông qua hệ thống VssID của BHXH Việt Nam, các cơ sở khám chữa bệnh có thể tự tra cứu. Sau thời gian chạy thử, Bộ Y tế sẽ có hiệu chỉnh và ban hành chính thức, bà Trang thông tin.

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế cho hay, ngoài phân quyền ký giấy, một giải pháp để thủ tục đơn giản hơn đang được nghiên cứu là thực hiện ký bằng bản điện tử, dấu điện tử, chữ ký điện tử thay vì ký thường (ký tươi) để nhanh hơn. Theo đó, lãnh đạo các khoa, phòng có thể ký được giấy dù ở đâu.

Bà Trang cho hay đối với các văn bản như giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại cấp trong năm 2023, Vụ Bảo hiểm y tế sẽ có công văn đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở có thể cấp giấy cho người bệnh luôn trong tháng 12, chứ không phải chờ đến tháng 1/2024 mới cấp và thực hiện trong năm 2024.