Tôi thấy chạy bộ rất hay vì giúp giảm cân, tăng cường sức khỏe, bền bỉ, nhưng tại sao lại có người đột tử, qua đời khi chạy bộ? Chạy bộ liệu có tốt cho sức khỏe tim mạch hay không? (Minh Như, Hải Phòng). 

Thông tin tư vấn từ các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ:

Chạy bộ chính là cách thức an toàn và hiệu quả nhất giúp cải thiện khả năng hoạt động của hệ tim mạch.

Theo một cuộc khảo sát diễn ra trong một nhóm người chạy bộ thường xuyên và một nhóm không vận động, kết quả cho thấy nhóm chạy bộ thường xuyên ít gặp biến chứng về tim hơn 50 lần so với người không chạy bộ. Điều này cho thấy việc chạy bộ sẽ tốt cho sức khỏe, nhất là tim sẽ khỏe hơn và hoạt động tốt hơn.

Tại sao lại có biến cố trong chạy bộ? Việc chạy bộ có tốt cho tim mạch không, câu trả lời là có. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những biến cố tim mạch xảy ra ở những người chạy bộ. Điều này thường xuất hiện ở những người luyện tập quá sức.

Việc chạy bộ với tốc độ cao và trong thời gian dài sẽ khiến tim phải làm việc liên tục gây ra tình trạng quá tải. Các dấu hiệu đi kèm như tức ngực, tim đập nhanh, huyết áp tăng đột ngột. Vì vậy cần phải điều chỉnh phù hợp với sức khỏe của mỗi người khi tập luyện.

Chạy thế nào để tốt cho tim mạch?

- Chạy bộ thường xuyên: Luyện tập chạy bộ thường xuyên thay vì chạy quá nhiều trong một buổi. Chạy bộ thường xuyên giúp tim có xu hướng ổn định hơn.

- Cường độ chạy vừa phải: Tùy vào sức khỏe mà chạy với cường độ phù hợp nhất. Không nên ép bản thân theo một quá trình tập luyện nặng nề. Tốc độ cao sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim.

- Thời gian chạy: Nên từ 30-45 phút mỗi ngày. Đối với người mới chạy thì chạy từ 10-20 phút sau đó có thể nâng lên đến 45 phút.

- Khoảng cách chạy: Tương tự với cường độ luyện tập, đừng chạy cự ly quá dài. Vì mục đích chạy bộ là nâng cao sức khỏe nên đề cao sức khỏe hơn là cự ly.

- Bổ sung nước: Theo các bác sĩ, chạy bộ 15 phút cần bổ sung 150ml nước. Nếu không bổ sung đủ nước, bạn sẽ cảm thấy nhanh mệt hơn và mang lại những tác động xấu đến hệ tim mạch.