Đây là nhận định được nhiều chuyên gia chia sẻ với hãng tin Sputnik. Với hơn 80% số phiếu bầu, ông Vladimir Putin đã giành chiến thắng trong lần tái tranh cử để đảm nhận nhiệm kỳ Tổng thống mới kéo dài 6 năm. 

nga putin.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

Quân sự: “Chạy đua công nghệ” thay vì “Chạy đua vũ trang”

Ông Alexey Leonkov, nhà phân tích quân sự và biên tập viên của tờ Arsenal Otechestva, cho rằng: “Chiến thắng của Tổng thống Putin là yếu tố quyết định vì dưới thời lãnh đạo của ông, Nga đã xây dựng chuỗi công nghệ bắt đầu từ nghiên cứu và phát triển, sau đó chuyển giao vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại cho các lực lượng vũ trang Nga". 

"Công việc này vẫn sẽ tiếp tục, bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã chứng minh đối phương đang tìm mọi cách để đánh bại các hệ thống vũ khí hiện đại của Nga. Do đó, Nga đang tìm kiếm một công nghệ thần kỳ giúp đảm bảo chiến thắng trong bất kỳ hoạt động quân sự nào", ông Leonkov cho hay. 

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nga hôm 29/2, ông Putin đã chỉ trích phương Tây cố tình lôi kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang. 

Theo Leonkov, Nga sẽ không tham gia vào "chạy đua vũ trang", mà thay vào đó chạy đua công nghệ với phương Tây, và Moscow đang vượt xa phương Tây ở một số lĩnh vực. Ông Leonkov đã đề cập đến các loại vũ khí siêu vượt âm được Moscow sử dụng trong xung đột ở Ukraine bên cạnh dàn máy bay không người lái (UAV) và thiết bị tác chiến điện tử do Nga sản xuất.

Cũng theo ông, ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ trải qua quá trình hiện đại hóa để đáp ứng tăng quy mô lực lượng vũ trang quốc gia lên 1,5 triệu người trong 6 năm tới.

Ngoài ra, Nga có thể cho ra đời thế hệ vũ khí siêu vượt âm mới nhỏ gọn hơn. Các lực lượng vũ trang Nga cũng có khả năng nhận thêm nhiều hệ thống phòng không S-500 hiện đại hơn, hệ thống tác chiến điện tử, pháo, và đạn dược có độ chính xác cao, cùng nhiều vũ khí mới.

nga putin 1.jpg
UAV Okhotnik của Nga. Ảnh: Youtube

Kinh tế: Nga và BRICS thay thế cho phương Tây

Quá trình hiện đại hóa công nghệ quân sự của Nga có thể thực hiện được nhờ những thay đổi sâu rộng trong chiến lược kinh tế dưới sự giám sát của Tổng thống Putin. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, và đa dạng hóa quan hệ thương mại của Nga sang Nam bán cầu.

Điều này được thể hiện trong cuộc phỏng vấn gần đây, khi ông Putin cho biết "Nga đã vượt qua Đức về sức mua tương đương, và trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới”. 

Ngoài ra, Moscow và các đối tác còn đang đẩy nhanh quá trình từ bỏ đồng USD, vốn lâu này được xem là công cụ trừng phạt trong thương mại toàn cầu.

Chia sẻ với Sputnik, ông Paul Goncharoff, chủ sở hữu công ty tư vấn Goncharoff LLC, nhận định “Nga được coi là nước đi đầu trong việc phi USD hóa”, mà khởi đầu là do các lệnh trừng phạt kinh tế và tiền tệ của phương Tây, và sau đó Nga bị cấm truy cập vào hệ thống SWIFT.

Cũng theo ông, quyết định của phương Tây phong tỏa tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đã trở thành lời cảnh tỉnh cho những nước khác.

"Nga hiện không chỉ nổi lên là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu, mà còn là một phần quan trọng trong nhóm các quốc gia đang phát triển nhanh chóng gồm BRICS, Liên minh kinh tế Á - Âu, ASEAN, Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi, Hợp tác vùng Vịnh, Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải", ông Goncharoff.

Theo ông, đây là một nhóm địa kinh tế lớn hơn cả G7. Bên cạnh đó, BRICS cũng vừa tăng gấp đôi số thành viên lên 10 nước vào tháng 1 năm nay. 

nga putin 2.jpg
Tiền tệ của các nước thành viên BRICS. Ảnh: Sputnik

Chính sách đối ngoại: Nga thiết lập không gian an ninh địa kinh tế

Theo ông Dmitry Evstafiev, nhà khoa học chính trị và Giáo sư tại Trường Kinh tế cao cấp (HSE) ở Nga, có 4 hướng chính trong chiến lược đối ngoại trong nhiệm kỳ 6 năm tới của ông Putin. 

Thứ nhất, Nga duy trì đối thoại với các đối tác. Thứ hai, Nga tổ chức đàm phán với phương Tây và Mỹ về các vấn đề an ninh lớn trên thế giới. Thứ ba, Nga sẽ thắt chặt các mối quan hệ với Nam bán cầu. Thứ tư, Nga sẽ tạo ra một không gian địa kinh tế mới, cùng hệ thống thanh toán mới không cần đồng USD.

"Nền kinh tế lấy Mỹ làm trung tâm có thể sớm bước vào một cuộc khủng hoảng rất sâu sắc, và đã bắt đầu hình thành. Do đó, Nga sẽ tạo ra một không gian an ninh địa kinh tế để trước hết là bảo vệ chính mình”, ông Evstafiev nói. 

Vị giáo sư nhấn mạnh, Nga chỉ có thể tổ chức đối thoại mang tính xây dựng với phương Tây, nếu các chính trị gia ở Mỹ và châu Âu thực chất muốn đàm phán, thay vì đưa ra tối hậu thư và tuyên truyền. Nhưng theo ông, hiện chưa có chính trị gia nào ở phương Tây muốn làm như vậy.

Ông Evstafiev đánh giá trong nhiệm kỳ 6 năm tới, ông Putin sẽ không đưa ra những thay đổi chiến lược đối ngoại mang tính đột ngột. 

“Nga sẽ kiên trì thúc đẩy các mục tiêu, mà không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia như đã tuyên bố vào tháng 12/2021”, ông Evstafiev nhắc đến dự thảo thỏa thuận an ninh mà Điện Kremlin đã chuyển cho Washington và NATO trước khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. 

"Lập trường của Nga đã rõ, và Moscow sẽ đợi cho đến khi tập thể phương Tây đủ gần để bắt đầu đàm phán", ông Evstafiev kết luận.