W-oc-eo-06-1.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Ông Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết, hội thảo khoa học quốc tế lần đầu tiên về văn hoá Óc Eo được tổ chức tại Việt Nam tập trung công bố những kết quả và thành tựu nghiên cứu khoa học mới về Văn hóa Óc Eo theo Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa” do Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện vào năm 2015. 

Đồng thời cũng là cơ hội để trao đổi học thuật mang tính quốc tế, góp phần tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến giới khoa học trong nước và quốc tế và công chúng về những giá trị nổi bật của di sản văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam; cung cấp cơ sở khoa học cho công tác nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề cử khu di tích Óc Eo – Ba Thê là di sản văn hóa thế giới. 

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, tích cực cung cấp thêm các thông tin trong quá trình trao đổi để làm sâu sắc thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn về những giá trị lịch sử, văn hóa và mối quan hệ của đô thị Óc Eo trong giao lưu kinh tế, văn hóa với khu vực và thế giới.

W-oc-eo-07-1.jpg
Bảo vật quốc gia - Nhẫn Nandin Giồng Cát được phát hiện trong cuộc khai quật năm 2018.

Thông tin từ Ban tổ chức hội thảo, từ năm 2017-2020, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã tiến hành khai quật khảo cổ học khu di tích Óc Eo - Ba Thê với diện tích trên 16.000m2 tại hai khu vực là cánh đồng Óc Eo và sườn núi Ba Thê.

Cũng trong thời gian đó, Viện Nghiên cứu Kinh thành tiến hành khai quật khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) với diện tích 8.000m. Đây là khu di tích nằm dưới cánh đồng lúa gần cửa biển, cách Óc Eo - Ba Thê khoảng 12 km về phía Bắc. 

Sau gần 4 năm tiến hành khai quật, các chuyên gia đã phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng như: kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú nhà sàn, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch, đá và đồ gỗ cùng nhiều dấu tích sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trang sức bằng đá quý, thủy tinh và bằng vàng. 

Đặc biệt, cuộc khai quật đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thủy tinh. 

W-oc-eo-02-1.jpg
Trưng bày cổ vật Óc Eo tại hội thảo.

Kết quả khai quật tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê đã phát hiện được nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về đặc điểm, tính chất của “đô thị cổ”.

Những phát hiện nêu trên cũng cho thấy với tầm nhìn hướng biển và mở rộng giao lưu với thế giới rộng lớn bên ngoài, Óc Eo – Ba Thê không chỉ đóng vai trò là đô thị mở rộng giao lưu với thế giới, trung tâm buôn bán, trung chuyển thương mại giữa Đông Nam Á và Tây Nam Á, mà còn thực sự là một trung tâm gia công, sản xuất hàng hóa lớn của Đông Nam Á. 

Trần Văn Tuyên, Nguyễn Huy Phúc, Hà Lệ Yên, Lê Anh Dũng