PV: Được biết là công ty cũng đã tham gia khá nhiều các chương trình phát triển hỗ trợ công nghiệp do Bộ Công thương làm đầu mối. Vậy đến thời điểm này, công ty đã tham gia những chương trình nào và gặt hái được những kết quả như thế nào trong hoạt động sản xuất?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Chúng tôi đã tham gia các chương trình như của Samsung hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, hay các chương trình về 5S bên PAC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chương trình SDP của Cục Công nghiệp Bộ Công thương. 

Trong quá trình triển khai tham gia, chúng tôi có chuyển biến rất nhiều trong hoạt động sản xuất và kết nối khách hàng.

Một trong những chương trình gần đây nhất chúng tôi đã tham gia trong sáng kiến của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Vasi, và đã là 1 trong 5 thành viên đầu tiên của dự án chuyển đổi Lean, sản xuất tinh gọn, giảm các chi phí. Chỉ trong một khoảng thời gian 2 tháng bắt đầu chương trình, các thành viên, các công ty bắt đầu từng bước được đào tạo, thực hành, chủ động tham gia các hoạt động liên quan đến chương trình Lean. 

Điều đầu tiên mà công ty An Phú Việt đạt được đó là đã bắt đầu có nhận thức về thế nào là lean, thế nào là sản xuất tinh gọn. 
Ngoài ra, các bạn cũng nhận thức được thế nào là hoạt động lãng phí, hay thế nào là hoạt động tạo giá trị và những cách để phân tích thống kê và đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp cải tiến để đạt được mục tiêu.

PV: Ông có thể nói rõ hơn là sau khi tham gia những chương trình thì hiệu quả về con số là gì? Như thời gian giao hàng, hiệu suất máy móc, năng suất của nhân viên thì con số thay đổi được đo đếm như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Một trong các chương trình chúng tôi vừa kết thúc là Xây dựng nhà máy thông minh – Smart Factory. Mặc dù dự án trong thời gian ngắn nhưng đã thúc đẩy chúng tôi cải tiến các hoạt động sản xuất, xây dựng quy trình cũng như đưa thêm các công cụ sản xuất  khoa học phần mềm. Ngoài ra còn có quản trị chính xác tồn kho. 

Chúng tôi đã tăng cường độc chính xác từ 98% lên 99%. Cái lượng hàng bị trả về đã giảm từ 8% xuống 2%. Đồng thời, về năng suất kế hoạch cũng đã từ 85% lên 95%. Chúng tôi cũng sẽ không dừng ở đấy mà sau khi dự án kết thúc, vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động cải tiến và đổi mới để đạt kết quả cao hơn nữa.

PV: Ông có thể cung cấp thêm thông tin rằng hiện nay công ty An Phú Việt đang là nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Chúng tôi cũng đang tham gia trong các chuỗi cung ứng cho các công ty toàn quốc, tập đoàn đa quốc gia. Nhiều nhất là tham gia cung cấp linh kiện cho Samsung, Panasonic, và các tập đoàn khác của Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam. 

Trong suốt hành trình hình thành và phát triển của công ty đến giờ đã được hơn 11 năm, chúng tôi nhận ra rằng để đáp ứng được các yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia và các công ty toàn cầu thì điều đầu tiên phải nói về chất lượng, năng suất và thời gian giao hàng.

Ngoài ra phải nói đến giá cả cạnh tranh. Trong quá trình phát triển, An Phú Việt luôn ý thức rằng để tham gia các chuỗi cung ứng cần phải cải tiến liên tục, giảm các chi phí và tăng năng lực đáp ứng. Chúng tôi còn chú trọng đến việc đào tạo, thành lập các nhóm, tham gia các chương trình đào tạo ở bên trong và ngoài, các dự án của các đơn vị thuộc cơ quan chính phủ hỗ trợ. 

Từ đó, chúng tôi đã từng bước nâng cấp năng lực nội bộ để đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, chúng tôi cũng đã và đang đáp ứng được yêu cầu của các công ty lớn như Samsung, Panasonic,… 

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công ty FDI tại Việt Nam trong việc cam kết, lan tỏa với các doanh nghiệp Việt?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Các công ty Việt Nam nói chung và An Phú Việt nói riêng khi tiếp cận với các công ty FDI sẽ học hỏi được từ họ từ việc các tập đoàn, công ty đa quốc gia cho các bộ phận sang đánh giá, audit để có thể hoàn thiện và nâng cấp các đơn vị cung cấp cho những công ty này. 

Đấy là điều quan trọng, là năng lực đáp ứng được về chất lượng, giá cả, tiến độ. Thông qua việc đánh giá này, An Phú Việt mới có cơ hội tiếp cận công nghệ, những hệ thống quản lý. Nhờ đó, còn thúc đẩy việc cải tiến để nâng cao năng lực nội bộ.

PV: Từ phía địa phương, các Bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, thì anh đánh giá như thế nào về vai trò của họ trong việc đồng hành với các doang nghiệp? Ông có các kiến nghị gì?

Ông Nguyễn Văn Hùng: Về các cơ quan ban ngành, chúng tôi cũng được tạo điều kiện, có sự kết nối cũng như có cơ hội tham gia chương trình, chủ trương hỗ trợ của Chính phủ, của Sở, của cơ quan ban ngành. 

Về các chủ trương và sự hỗ trợ của Chính phủ và các ban ngành trong lĩnh vực của chúng tôi nói chung và An Phú Việt nói riêng, chúng tôi đã có được sự hỗ trợ rất nhiều về các chương trình kết nối, giao thương hay các dự án mà hỗ trợ từ các tập đoàn đa quốc gia, cũng như là các hiệp hội, triển lãm. 

Đó là những cái được tạo điều kiện. Chúng tôi cũng mong rằng có thêm nhiều chương trình như vậy hơn nữa, không chỉ cho An Phú Việt nói riêng mà còn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi để đổi mới, tiếp cận và sáng tạo. 

Chúng tôi mong muốn An Phú Việt sẽ phát triển theo định hướng tiếp cận các công ty lớn và có được hệ thống điều hành chuyên nghiệp, có được những hoạt động nội bộ để đồng hành cùng các đơn vị khác, chia sẻ kinh nghiệm để cùng tiếp nhận những cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng. Hiện nay, cũng có nhiều doanh nghiệp, công ty lớn vào Việt Nam và An Phú Việt nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang tự tin để tham gia chuỗi cung ứng đó.

Kim Duyên (Thực hiện)