Theo Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), gần đây, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị hội chứng thận hư với nguyên nhân khá bất ngờ.

Trong đó, anh D.V.T.N (39 tuổi, TP.HCM) nhập viện với tình trạng sốt nhẹ, tiêu chảy, phù chân trái tăng dần. Anh N. mắc hội chứng thận hư 6 tháng nhưng điều trị không đáp ứng. Đây là tình trạng thận không giữ được đạm, gây thất thoát đạm qua nước tiểu, dẫn đến giảm albumin trong máu, gây thiểu niệu và bị phù. Người bệnh cũng bị dễ nhiễm trùng.

Tại Bệnh viện Bình Dân, kết quả xét nghiệm creatinine của anh N. là 159 umol/L, ở mức cao so với bình thường, đạm niệu cũng tăng cao. Xét nghiệm tầm soát nguyên nhân phát hiện anh bị nhiễm giun đũa chó mèo (toxocara). Bệnh nhân được chẩn đoán tổn thương thận cấp, hội chứng thận hư, nhiễm toxocara.

Bác sĩ cho anh N. điều trị bằng thuốc trị giun sán trong 7 ngày. Các triệu chứng sốt và tiêu chảy hết sau 2 ngày, xét nghiệm creatinine và đạm niệu cải thiện. Sau 2 tháng điều trị, hội chứng thận hư của bệnh nhân đã ổn định.

Người bệnh đến thăm khám tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM). Ảnh: GL.

Một phụ nữ 67 tuổi (TP.HCM) cũng nhập Bệnh viện Bình Dân do hội chứng thận hư, tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Bệnh diễn tiến rất nhanh, cơ thể bà phù nhiều, tăng ký tích nước nên bác sĩ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm để đánh giá.

Kết quả cho thấy người phụ nữ cũng bị nhiễm giun đũa chó mèo (toxocara). Sau 2 tuần sử dụng thuốc trị giun sán, kiểm soát đường huyết và huyết áp, tình trạng của bà đã cải thiện. Người bệnh giảm hơn 10kg, giảm phù và đang tiếp tục được theo dõi, tái khám.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Đan Thùy, Trưởng khoa Nội thận Lọc máu Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), các bệnh nhân bị hội chứng thận hư do nhiễm giun sán được xếp vào nhóm nguyên nhân thứ phát.

Sau khi trứng giun sán đi vào cơ thể người, chuyển thành ấu trùng và lan đến các cơ quan như phổi, não, gan hoặc thận. Nếu lan đến thận, người bệnh có thể bị hội chứng thận hư, thường gặp là do giun lươn, toxocara từ chó mèo, sán mán...

Theo bác sĩ Thùy, khi xác định nguyên nhân nhiễm giun sán gây ra hội chứng thận hư, hiệu quả điều trị sẽ rất khả quan, người bệnh đáp ứng tốt. Tùy thuộc mức độ, nếu ấu trùng giun sán lan tràn lên não, mắt… hoặc giun lươn toàn phát khắp cơ thể, việc điều trị sẽ phức tạp hơn.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần phòng ngừa nhiễm giun sán bằng cách ăn chín uống sôi, đặc biệt khi ăn rau sống hoặc ốc nấu chưa chín; xổ giun định kỳ cho chó mèo nuôi trong nhà, cho chó mèo đi vệ sinh đúng chỗ; thường xuyên rửa tay sạch sẽ...

Khi phát hiện các triệu chứng như rối loạn tiêu hoá, ngứa, nổi sẩn da... người bệnh cần nghĩ đến nguy cơ nhiễm giun sán để khám và điều trị kịp thời. 

Ngoài nhóm nguyên nhân vô căn, hội chứng thận hư cũng có thể gặp phải ở bệnh nhân ung thư (ung thư đại tràng, phổi, tiền liệt tuyến…), người mắc bệnh lý miễn dịch,  người bị nhiễm ký sinh trùng, giun sán hoặc viêm gan B, C, nhiễm HIV…