David Bennett là bệnh nhân đầu tiên nhận nội tạng động vật được biến đổi gen để ngăn chặn sự đào thải ở người.

Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ) đã thực hiện ca cấy ghép cho người đàn ông 57 tuổi này vào ngày 7/1. 

Vào giữa tháng 2, ông Bennett đã có những chuyển biến tích cực khi có thể ngồi dậy, nhẩm theo một bài hát phát trong trận đấu bóng bầu dục. Tuy nhiên, sức khỏe của bệnh nhân bắt đầu xấu đi trong những ngày gần đây. Ngày 9/3, bệnh viện thông báo về sự ra đi của ông.

Người phát ngôn của bệnh viện, Deborah Kotz, cho biết, chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng về cái chết của ông Bennett.

{keywords}

Ông Bennett và con trai sau ca phẫu thuật vào tháng 1

“Chúng tôi rất đau lòng khi ông Bennett mất. Ông ấy là một bệnh nhân dũng cảm và đáng kính trọng, người đã chiến đấu đến cùng. Chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành nhất đến gia đình ông”, Tiến sĩ Bartley Griffith, bác sĩ phẫu thuật chính ca cấy ghép tim cho ông Bennett, chia sẻ.

Mặc dù ca phẫu thuật chỉ kéo dài thêm 2 tháng cho cuộc đời của ông Bennett nhưng đã mở ra hy vọng giải quyết tình trạng thiếu nội tạng cấy ghép cho con người.

“Chúng tôi đã có được những kiến thức vô giá khi biết rằng tim lợn biến đổi gen có thể hoạt động trong cơ thể người khi hệ miễn dịch được ức chế tốt”, Tiến sĩ Muhammad Mohiuddin, chuyên gia về cấy ghép tại Trường Y Đại học Maryland, tuyên bố.

Ông Bennett phải nằm liệt giường và điều trị tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland từ tháng 10/2021 cho đến khi được phẫu thuật.

Ông không đủ điều kiện để cấy ghép tim người vì không đáp ứng các khuyến nghị y tế trước đó. Ông cũng không thích hợp để sử dụng máy bơm tim nhân tạo vì nhịp tim thất thường.

Khi biết mình không còn lựa chọn nào khác, ông đã đồng ý là người đầu tiên nhận quả tim lợn chỉnh sửa gen.

Trái tim mới của ông hoạt động tốt trong nhiều tuần, không có bất kỳ dấu hiệu đào thải nào. Dù rất yếu sau thời gian dài nằm trên giường, ông Bennett có thể ngồi dậy và xem trận đấu bóng bầu dục Super Bowl vào tháng 2.

Ông cũng chia sẻ với các nhân viên y tế về mong muốn được về nhà thăm chú chó Lucky.

Con trai của ông, David, đã cảm ơn bệnh viện và các bác sĩ chăm sóc cho cha mình. "Chúng tôi đã trải qua vài tuần quý giá bên nhau khi bố hồi phục sau ca cấy ghép - khoảng thời gian mà chúng tôi sẽ không có nếu thiếu sự nỗ lực kỳ diệu", David chia sẻ.

Người con cũng đặt niềm tin ca mổ của cha mình sẽ giúp nhiều người khác sống lâu hơn khi được cấy ghép nội tạng lợn.

“Chúng tôi mong muốn câu chuyện này là khởi đầu của hy vọng chứ không phải kết thúc. Chúng tôi cầu mong những người đang tìm kiếm hy vọng sẽ tiếp tục chiến đấu cho tương lai, cho những ý tưởng mới, cho sự sống. Hãy chiến đấu như cha tôi", David nói.

An Yên (Theo USA Today)

Ca ghép tim hy hữu giữa 2 người mắc bệnh nan yMột bệnh viện ở thành phố New York (Mỹ) đã thực hiện ca ghép tim giữa hai bệnh nhân dương tính HIV.