- Là nghệ sĩ trẻ duy nhất tại 'Điều còn mãi 2023', cảm xúc trong An Trần là gì?

Tôi tự hào, phấn khởi xen lẫn hồi hộp. Dù đã trình diễn ở nhiều sân khấu lớn nhỏ nhưng đây là lần đầu tiên tôi được độc lập biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. 

Theo lịch, tôi trở lại Mỹ tháng 8 để tiếp tục việc học và một số lịch trình cá nhân. Tuy nhiên, Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi do báo VietNamNet phối hợp với công ty IBgroup tổ chức là sự kiện đặc biệt, nếu bỏ lỡ sẽ rất tiếc nuối. Khi được liên hệ, tôi lập tức nhận lời và xin hoãn vé máy bay. 

Điều đặc biệt là tôi và các anh chị, cô chú được biểu diễn vào ngày trọng đại của toàn dân tộc. Với người nghệ sĩ, đây có lẽ là điều thiêng liêng trên chặng đường nghệ thuật. 

- Bạn được giao trình diễn saxophone 'Mẹ yêu con'. Với ca khúc kinh điển đóng đinh tên tuổi với các diva, danh ca, bạn sẽ làm mới ra sao?

Mẹ yêu con là ca khúc tôi được nghe từ nhỏ nên cảm giác rất thân thuộc. May mắn tôi được bố - nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn hướng dẫn tập luyện. Bố tỉ mỉ phân tích từng đoạn, hai bố con đã gọi trao đổi với Giám đốc âm nhạc chương trình Trần Mạnh Hùng để có bản tổng phổ hoàn thiện. 

Các ca sĩ đi trước hát bằng tình cảm của người mẹ dành cho con, còn tôi thể hiện tiếng lòng của người con với đấng sinh thành. Tôi mong truyền tải ca khúc với tinh thần nhẹ nhàng, hồn nhiên và cảm xúc nhất qua tiếng kèn saxophone. 

Ban đầu chương trình ngỏ lời mời cả tôi và bố Tuấn cùng biểu diễn. Hiện sức khỏe của bố đã ổn định hơn, kỹ năng thổi kèn hồi phục nhưng dễ xúc động, tay chân run nên đành từ chối. Tôi vẫn mong được cùng bố đứng trên một sân khấu gần nhất. 

An Trần biểu diễn cùng bố Trần Mạnh Tuấn 

- An Trần xuất hiện lần đầu trong liveshow 'Dấu ấn' của bố năm 2013 khi mới 9 tuổi. 10 năm trôi qua, bạn thấy bản thân trưởng thành thế nào?

Từ một cô bé chỉ chơi nhạc bằng đam mê, tập tễnh theo chân cha học từng nốt nhạc rồi dần được mời biểu diễn ở các sân khấu… tất cả với tôi đều như bài học vỡ lòng. Tôi hãnh diện, may mắn vì được sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc.

Mọi người có thể tặng tôi lời khen, một số mỹ từ đẹp đẽ. Tôi trân trọng nhưng biết mình còn quá nhỏ bé, phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Mọi thứ chỉ là quá trình, tôi vẫn đang tiếp bước và chinh phục cho mục tiêu mới mỗi ngày. 

- “An Trần là dự án lớn nhất của Trần Mạnh Tuấn” - khi nghe câu nói này của bố, bạn cảm nghĩ gì?

Tôi nghĩ câu nói ấy của bố chứa đựng rất nhiều tâm tư. Về nghĩa đen, bố tự nhận hết trách nhiệm và nghĩa vụ để làm sao con gái phải tốt hơn và xứng đáng với sự kỳ vọng của mọi người. Mặt khác, ông cũng toàn quyền được can thiệp, định hướng và đau đáu từng giây phút với “dự án” đặc biệt này. 

Ở phương diện cá nhân, bố tôi thực sự là một "anh hùng". Ông đóng vai một người bố thương con, tình cảm, một người thầy khó tính, một người bạn vui tính và một đồng nghiệp thấu hiểu bạn diễn… Mọi thứ đều được bố làm trọn vẹn, có lẽ xuất phát từ tình thương. Bấy nhiêu đó thôi khiến bố Tuấn trở thành một tượng đài trong tôi. 

Mọi người hay gọi tôi là “truyền nhân của Trần Mạnh Tuấn”. Họ kỳ vọng An Trần phải vượt mặt bố, làm điều lớn lao hơn cho nhạc Việt. Thú thật tôi từng áp lực và suy nghĩ! Nhưng có lẽ giờ đây mọi thứ không quá quan trọng. Tôi chỉ nghĩ đơn giản sẽ nỗ lực hết mình - như một món quà con gái dành tặng bố khi xa nhà. 

- Khó ai tưởng tượng một cô gái sinh viên năm nhất phải vượt qua quãng thời gian khó khăn khi nghe tin bố bất ngờ đột quỵ nhập viện và có lúc tưởng không qua khỏi… Khoảnh khắc ấy hẳn khó quên với bạn?

Suốt thời gian bố cấp cứu, mọi người trong gia đình đều giấu không cho tôi biết. Bố dùng mạng xã hội nhiều, cho tới khi tôi thấy bố gần 1 tuần lễ không online, linh tính mách bảo chuyện chẳng lành. Tôi lên mạng đọc báo thì các tựa đề “Trần Mạnh Tuấn đột quỵ”, Trần Mạnh Tuấn cấp cứu trong đêm”… ập vào mắt. 

Tôi gọi ngay về cho mẹ và được trấn an bố chỉ nhập viện kiểm tra sức khỏe bình thường. Mẹ bảo do bố làm việc nhiều quá nên bác sĩ yêu cầu phải tạm ngắt điện thoại để nghỉ ngơi. 

Dù vậy, tôi biết mọi chuyện không nhẹ nhàng như thế. Cảm giác một người con ở xa, chỉ có thể theo dõi tin tức qua truyền thông khiến tôi thấp thỏm vô cùng. Khi tình hình trở nên xấu hơn, tôi chỉ biết gọi điện về cho mẹ và bà ngoại hỏi chuyện. Mẹ và bà là những người rất mạnh mẽ, luôn khuyên tôi cố gắng không buồn để ảnh hưởng việc học. 

- Vì điều gì bạn quyết định không về Việt Nam trong chính giây phút bố đang phải đối diện giữa lằn ranh sinh - tử?

Tôi mâu thuẫn, suy nghĩ rất nhiều với quyết định có về nước hay không. Đã có lúc tôi soạn sẵn hành lý, chuẩn bị mọi thứ và chỉ việc ra sân bay. 

Dù vậy, tôi thay đổi suy nghĩ vì một câu nói của mẹ. Qua điện thoại, bà nói: “Mẹ chỉ có 2 yêu cầu cho con lúc này: học thật tốt và tin vào bố”. Trong chính giây phút ấy tôi tự xốc mình dậy với suy nghĩ bằng mọi giá phải cố gắng học. Đó là điều duy nhất bố gửi gắm ở tôi khi ngày đầu quay lại trường sau 1 năm rưỡi Covid-19. Thay vì ngồi một chỗ khóc và lo lắng, tôi phải lạc quan để không bị xao lãng tinh thần. 

Tôi chia sẻ khó khăn với bạn bè, thầy cô và được họ động viên tinh thần nhiều. Một số giáo viên tích cực tìm kiếm các bác sĩ đầu ngành. Chúng tôi còn dự định đưa bố sang Mỹ điều trị nếu tình hình không khả quan. 

Kết quả, bố thực sự tỉnh lại - như một phép màu. Giây phút ấy, tôi thầm cảm ơn lời cầu nguyện của mọi người từ khắp mọi nơi dành cho bố. Ông đã bước qua lằn ranh sinh tử để trở lại sống và tiếp tục đam mê với âm nhạc. 

- Năm ngoái, An Trần thuộc top sinh viên nhận học bổng toàn phần của Berklee College of Music, trường nhạc hàng đầu Mỹ. Bạn chia sẻ đôi chút về việc học nhé!

Tôi may mắn trúng tuyển đầu vào và được trao học bổng toàn phần cho năm đầu tiên. Sau đó, nếu sinh viên học giỏi sẽ tiếp tục nhận học bổng. Tôi đăng ký học ngành IRP (independent recording & production) - một ngành học mới cho những nghệ sĩ độc lập chuyên sản xuất và thu âm. Ngoài ra, tôi cũng đăng ký học thêm Music Business for live music (kinh doanh âm nhạc trực tuyến). 

Trường tôi ở trung tâm của Boston, mọi thứ yên bình nhưng cũng khá nhộn nhịp. Mỗi ngày, lịch của tôi là đến trường học, tập nhạc đến tối. Ngày rảnh thì đi dạo, ghé thư viện, tham gia các câu lạc bộ âm nhạc. 

Ngôi trường danh tiếng này có ý nghĩa to lớn với tôi bởi cách đây 25 năm, bố Tuấn từng là sinh viên Việt Nam đầu tiên đặt chân tới đây. Tôi như đang đi tiếp con đường dang dở của bố nên động lực càng nhân đôi.  

- 5 năm xa nhà để bắt đầu cuộc sống mới, bạn học được điều gì?

Tôi dần quen với cuộc sống tự lập, biết chăm sóc bản thân. Chuỗi ngày xa nhà, tôi được gần gũi và khám phá mình hơn. Tôi thích cuộc sống tự lập này vì dành nhiều thời gian cho âm nhạc. 

Ở Việt Nam, tôi có thể có chút tên tuổi còn khi sang đây, mọi thứ đều con số 0. Phải tự thân vận động, không thể nhờ vả ai cho tới khi khẳng định được mình bằng sự nỗ lực. Tới lúc này tôi ít nhiều tự hào vì những gì đã làm được. Tôi tin tưởng con đường đang đi và quyết tâm dấn thân. 

- Nghệ sĩ tính và mạnh mẽ trên sân khấu, ngoài đời An Trần là người thế nào?

Tôi đang sống đúng với lứa tuổi 19. An Trần trên sân khấu và ngoài đời như 2 phiên bản khác nhau. Rời sân khấu, tôi thoải mái bộc lộ cảm xúc, chưa bao giờ gò ép vào khuôn khổ. Tôi vẫn yêu đời, mộng mơ và là cô gái Trần Đàm An Phúc “ẩm ương” như bao bạn bè đồng trang lứa.

Ngoài âm nhạc, tôi dành thời gian đọc sách, xem phim và chơi cún cưng. Tôi đặc biệt yêu thích thú cưng nên nếu không theo nghệ thuật rất có thể làm bác sĩ thú y cũng nên. (cười)

- Bạn xây dựng hình ảnh trong âm nhạc thế nào?

Tôi vẫn theo đuổi Jazz như một cách để viết tiếp ước mơ của bố. Và phấn đấu để trở thành một nghệ sĩ đa năng, có thể tham gia mọi khâu trong từng dự án. 

Tôi thích màu sắc âm nhạc của các bạn ca sĩ cùng lứa như Mỹ Anh, TLinh, Wren Evans… Mỹ Anh là người bạn tôi ngưỡng mộ nhất. Chúng tôi thường chia sẻ nhiều điều về âm nhạc lẫn cuộc sống. 

Tôi luôn ước mơ có một ban nhạc riêng, cùng mọi người lưu diễn khắp nơi. Tôi đặc biệt dành sự nể phục anh Sơn Tùng M-TP về cách làm việc với ê-kíp và sự chuyên nghiệp. Bản thân cũng đang tìm kiếm người cộng sự ăn ý để chuẩn bị ra mắt dự án ấp ủ bấy lâu. 

Thiết kế: Luyện Phạm