Đa số các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc vừa qua (trong đó có vụ tai nạn ở tuyến Cam Lộ - La Sơn ngày 10/3 làm 2 người chết, 9 người bị thương) được xác định nguyên nhân từ ý thức của lái xe.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn ngày 10/3 là do tài xế xe khách không chú ý quan sát, còn người điều khiển xe tải đỗ xe chiếm một phần đường nhưng không đặt báo hiệu nguy hiểm.

Nếu lái xe tải tuân thủ quy tắc ra hiệu cảnh báo nguy hiểm từ xa khi phương tiện hư hỏng trên đường, tài xế xe khách quan sát và làm chủ tốc độ thì sẽ không xảy ra tai nạn thảm khốc.

Về nguyên tắc, đường cao tốc không có các nút giao đồng mức, không cho các loại xe chạy hỗn hợp (cấm xe máy) nên lái xe trên cao tốc an toàn hơn đường quốc lộ. Vấn đề chính của hầu hết tai nạn trên cao tốc ở Việt Nam vẫn là nhận thức của người tham gia giao thông.

cao toc 1216.jpg
Hình ảnh tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18/2. Ảnh: A.T

Các quy tắc lái xe tối thiểu để đảm bảo an toàn trên cao tốc như: Đi tốc độ thấp đi bên phải, lái xe phía sau muốn vượt thì vượt bên trái (cấm vượt phải); xe phía sau phải quan sát giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, hay tài xế không lấn làn vượt ẩu... tưởng như là bài học vỡ lòng khi điều khiển phương tiện trên đường cao tốc nhưng vẫn còn không ít tài xế còn chưa thuộc.

Hiện nay có không ít tài xế thiếu hiểu biết các quy định lái xe trên đường cao tốc. Trong số này có những người là lái mới, đường mới (thậm chí xe mới) nên khi đi trên cao tốc vẫn giữ thói quen như đi đường quốc lộ, tỉnh lộ, thản nhiên lấn làn, vượt ẩu dễ dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Chưa kể một bộ phận người tham gia giao thông có hiểu biết về các quy định luật giao thông đường bộ, nhưng khi lái xe trên cao tốc lại có tâm lý chủ quan, đa số chỉ mới chú ý đến tốc độ tối đa và tối thiểu, nhưng đi với tốc độ thấp vào làn nào, tốc độ cao vào làn nào thì lại không chấp hành, gây cản trở giao thông. 

Tình trạng tài xế ôm làn, giữ chân nhau chạy quá chậm không chỉ làm tắc nghẽn giao thông, gây thiệt hại về kinh tế, chi phí vận hành xe, mà còn “xúc tác” gây ức chế tâm lý đến lái xe phía sau muốn đi nhanh phải  luồn lách, vượt sai quy định, đây là nguyên nhân chính tạo nên những tình huống nguy hiểm trên đường.

Phải tuân thủ quy tắc tham gia cao tốc

Như đã nói ở trên, do hiện nay không ít tài xế còn “mù mờ” với những quy định lái xe trên cao tốc. Do vậy các quy tắc cơ bản “xe tốc độ thấp đi về bên phải/ Làn trái chỉ để vượt” cần tiếp tục được phổ biến rộng rãi.

Quy tắc đơn giản này ở các nước phát triển, được lắp hẳn biển để cảnh báo trên đường nhằm nhắc nhở người tham gia giao thông phải tuân thủ đảm bảo an toàn. Việt Nam hoàn toàn có thể học tập các nước lắp thêm các biển báo này ở những vị trí dễ quan sát trên cao tốc.

cao toc 54321.jpeg
Xe lấn làn vượt ẩu trên cao tốc rất nguy hiểm. Ảnh: Hoàng Hà

Mặc dù Nghị định 100/2019 quy định phạt tiền cao nhất đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy tốc độ thấp hơn các xe khác đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy (trừ trường hợp các xe khác đi cùng chiều chạy quá tốc độ quy định), nhưng thực tế rất nhiều lái xe vẫn giữ làn trái và chạy với tốc độ rất chậm gây cản trở cho những người đi sau.

Việc các chủ phương tiện đi với tốc độ “rùa bò” trên cao tốc ở các làn xe bên trái cũng gây bức xúc cho tài xế muốn vượt lên. Không ít tình huống lưu thông trên cao tốc xe xếp hàng đi với tốc độ thấp bên trái bất chấp xe phía sau xin tín hiệu vượt.

Nhiều người không thể vượt trái đã bất chấp vượt làn phải (vốn đi với tốc độ thấp), thậm chí lấn sang làn dừng khẩn cấp để vượt lên, gây ra những tình huống giao thông nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Với những hành vi này, bên cạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức thì việc xử phạt nghiêm cũng sẽ đảm bảo tính răn đe. Xử phạt xe “rùa bò” hay cố tình lấn làn vượt ẩu trên cao tốc không thể chỉ trông chờ vào lực lượng CSGT trên đường mà phải được tiến hành phạt nguội qua ghi hình từ hệ thống camera giám sát. 

Do vậy, đi cùng với việc sớm hoàn thành hệ thống quản lý vận hành giao thông thông minh (ITS) trên các tuyến đường cao tốc vừa đưa vào khai thác, CSGT hoàn toàn có thể phối hợp với đơn vị vận hành tuyến đường để xử lý phạt nguội.

Cần xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm để dần dần hình thành ý thức tuân thủ Luật giao thông, tránh nhờn luật. Việc phạt nặng khiến người vi phạm mất nhiều tiền nhưng bảo toàn mạng sống của họ và có thể là nhiều người tham gia giao thông trên đường.