XEM CLIP:

Tại căn nhà sàn cuối bản Bua của ông Lò Văn Biên (67 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng), có một kỷ vật được gia đình gìn giữ như báu vật, đó là chiếc đài cassette màu đỏ. Chiếc đài này trở nên đặc biệt bởi câu chuyện mang theo… 

Ông Biên nhớ lại, câu chuyện bắt đầu vào năm 2004 khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm căn cứ địa cách mạng Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Không khí kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ khi đó càng rộn ràng hơn vì có sự xuất hiện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người chỉ huy chiến dịch. 

a58i6996.jpg
Ông Lò Văn Biên nhớ lại những ký ức về cha và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Người dân các dân tộc Thái, Kinh, Mông đã tề tựu từ sáng sớm. Họ đem theo cơm nắm chờ đợi để được gặp người anh hùng của mình. Trong lần trở lại này, Đại tướng đã dành nhiều thời gian để gặp gỡ, thăm hỏi và động viên người dân.

Đại tướng cũng dành tình cảm cho những người dân mảnh đất này bằng những món quà nhỏ, trong số đó có chiếc đài màu đỏ dành tặng cụ Lò Văn Bóng. 

a58i7116.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng chiếc đài cho ông Lò Văn Bóng vào năm 2004. Ảnh: Tư liệu gia đình cung cấp

"Năm 2013, bố tôi mất. Lúc qua đời, tâm nguyện của cụ là được ngắm, đặt tay lên chiếc đài lần cuối. Trong hơi thở khó nhọc, cụ căn dặn con cháu phải gìn giữ kỷ vật này thật cẩn thận.

Mỗi ngày, tôi đều lấy chiếc đài ra lau chùi. Mới đó đã 20 năm trôi qua, chiếc đài gắn bó với gia đình tôi như một phần không thể thiếu…", ông Biên nói.

Cũng theo ông Biên, món quà như một lời tri ân đối với những đóng góp của cụ Bóng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bởi thời điểm đó cụ Bóng là người phụ trách nắm bắt tình hình tại Mường Phăng, sau đó truyền tin cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kể lại con đường cha mình đến với Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Biên chia sẻ, năm 1952, cụ Bóng tham gia tự vệ xã. Một năm sau, cụ tham gia lực lượng công an xã khi lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên. Những ngày đó gian khổ nhưng cũng đầy tự hào, khi cụ tham gia vận chuyển lương thực cho bộ đội.

a58i7093.jpg
Gia đình ông Biên rất trân trọng món quà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông Biên chia sẻ: "Bố tôi kể rằng, trước đây gia đình rất nghèo, đi làm thuê tối ngày vẫn không đủ sống. Cảnh đói rét thường trực. Lúc đấy, bố tôi được cụ Lò Văn Hặc gọi đi phu. Nhưng khi đi rồi, bố tôi mới biết thực ra là đi vận chuyển lương thực cho bộ đội”.

Trong quá trình này, nhiều người đã bỏ dở giữa chừng nhưng cụ Bóng vẫn cần mẫn với công việc. Sau một thời gian làm việc, thấy cụ Bóng thật thà, chăm chỉ nên cụ Lò Văn Hặc rất tin tưởng. “Từ đó, bố tôi có thêm nhiệm vụ nắm bắt mọi thông tin trong vùng, sau đó tìm cách truyền tin cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang hoạt động bí mật", ông Biên cho biết.

Ông Biên sinh ra và lớn lên trong những câu chuyện của bố về trận Điện Biên Phủ hào hùng. Câu chuyện đó vẫn thường trực trong gia đình đến năm 2013 khi cụ Bóng khuất núi. Chiếc đài màu đỏ cũng đã trở thành kỷ vật đặc biệt mang theo tình cảm của cụ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mang theo niềm tự hào Điện Biên.

Hơn thế nữa, kỷ vật này còn là minh chứng cho tình cảm của một thế hệ người Việt đã cùng nhau làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Cụ Lò Văn Hặc là người thủ lĩnh dân tộc Thái vùng Điện Biên sớm giác ngộ cách mạng, đi theo Đảng, theo Bác Hồ để bảo vệ "làng trời", chống lại ách thống trị của thực dân Pháp và tộc trưởng Đèo Văn Long tàn ác. Cuộc đời cụ gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm và đấu tranh của các dân tộc Tây Bắc.

Đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi ổn định ở vị trí mới tại Mường Phăng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Hậu cần chiến dịch Đặng Kim Giang đã tổ chức cuộc họp với đại diện các cơ quan của tỉnh Lai Châu (gồm 12 người), đứng đầu là cụ Lò Văn Hặc, Chủ tịch Khu tự trị Thái - Mèo.

Hai bên đã thống nhất cách chỉ đạo, điều hành công tác huy động lực lượng tối đa bảo đảm hậu cần, đặc biệt yêu cầu địa phương tổ chức ngay các đơn vị dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong mở đường, vận chuyển lương thực thực phẩm, đạn dược, thuốc men với phương tiện là xe thồ, ngựa, gồng gánh phục vụ theo yêu cầu chiến dịch.

Sự phối hợp nhịp nhàng, tin cậy lẫn nhau giữa chỉ huy của hai lực lượng hậu cần quân sự và hậu cần nhân dân, giữa hai cụ Đặng Kim Giang và Lò Văn Hặc trở nên thân thiết, mẫu mực trong hơn 90 ngày diễn ra và kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.