Chiều 26/11, tại QL1 đoạn thuộc địa bàn thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), tài xế Trần Hữu Dương (35 tuổi, ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) điều khiển xe tải lùi rồi va chạm với xe máy do N.Đ.K. (17 tuổi) điều khiển, chở theo mẹ và em gái. Vụ tai nạn khiến 3 người tử vong tại chỗ.

Nguyên nhân vụ việc được xác định do Dương để quên điện thoại ở quán cơm nên lùi xe để quay lại lấy máy. Do không thấy xe phía sau nên tài xế này lùi vào xe máy, gây tai nạn nghiêm trọng. Kết quả xét nghiệm cho thấy Dương âm tính với ma túy và không có nồng độ cồn.

Trường hợp này, lái xe có thể chịu trách nhiệm ra sao?

Căn cứ xử lý hình sự

Từ dữ liệu hình ảnh hiện có, luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh) đánh giá hành vi của tài xế Dương thể hiện sự cẩu thả, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

lui xe chet 3 nguoi anh 1

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: TTXVN.

Trích dẫn Điều 16 Luật Giao thông đường bộ 2008, ông Thanh cho biết người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi xe. Lái xe không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.

"Trường hợp này, chiếc xe là xe tải kích thước lớn, có thùng hàng rộng làm che khuất tầm nhìn của tài xế. Tuy nhiên, người này vẫn dừng xe và lùi đột ngột khi chưa quan sát, đảm bảo an toàn phía sau. Hành động thể hiện sự cẩu thả, dẫn tới hậu quả là 3 người chết. Nguyên nhân chính của tai nạn xuất phát từ phía lái xe tải", ông Thanh bình luận.

Với việc không tuân thủ quy định về an toàn giao thông, gây ra hậu quả làm 3 người chết, tài xế có thể bị xử lý hình sự Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Theo khoản 3 Điều này, người nào vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả làm chết từ 3 người trở lên sẽ đối diện khung hình phạt 7-15 năm tù.

Luật sư Ngô Văn Thạnh (Công ty Luật The Light) cũng đánh giá hành vi lùi xe thiếu quan sát làm chết 3 người của tài xế đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

"Nạn nhân có di chuyển vào 'điểm mù' hay đủ điều kiện điều khiển phương tiện hay không không phải yếu tố xác định trách nhiệm hình sự của tài xế. Việc người này lùi xe thiếu quan sát, di chuyển ngược chiều gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi có yếu tố cấu thành tội phạm và sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự, bất kể có lỗi của nạn nhân hay không", ông Thạnh phân tích.

Xác định trách nhiệm bồi thường ra sao

Về trách nhiệm dân sự, luật sư cho rằng cơ quan chức năng sẽ vẽ sơ đồ, thực nghiệm lại hiện trường, đánh giá yếu tố lỗi để từ đó xác định trách nhiệm bồi thường của các bên trong trường hợp này. Từ đó, việc bồi thường có thể diễn ra theo 2 tình huống như sau:

Thứ nhất, nếu xác định lỗi trong vụ tai nạn giao thông hoàn toàn thuộc về tài xế Dương, người này có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho các nạn nhân theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015. Chi phí bồi thường gồm các khoản như Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho cha mẹ, vợ chồng, con cái nạn nhân.

Ngoài ra, người có lỗi phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không được quá 100 lần mức lương cơ sở, tức 149 triệu đồng.

Thứ hai, nếu xác định nguyên nhân vụ tai nạn giao thông là do lỗi hỗn hợp, tức có phần lỗi của nạn nhân trong đó, tài xế vẫn sẽ phải bồi thường cho nạn nhân. Tuy nhiên, tài xế khi đó sẽ chỉ phải bồi thường đối với phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Theo Zing