Doanh nghiệp dệt may “khát” chuyển đổi số

Báo cáo “Thực trạng và nhu cầu chuyển đổi số ngành dệt may” do Novaon Tech & Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa công bố cho thấy, 96,5% DN thực hiện khảo sát đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Cụ thể: 

43% DN đánh giá chuyển đổi số rất cần thiết - Cần làm thí điểm, đánh giá hiệu quả rồi nhân bản; cân đối ưu tiên giữa chuyển đổi số với các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh khác; có cấp quản lý chuyên trách cho chuyển đổi số.

37,2% DN cho rằng chuyển đổi số là mục tiêu chiến lược - Rất cần thiết và hiệu quả, phải làm ngay, ưu tiên nguồn lực ở mức độ cao; lãnh đạo sâu sát chỉ đạo và điều hành việc chuyển đổi số.

16,3% khẳng định cần làm chuyển đổi số - Có người phụ trách nhưng cần hết sức thận trọng; luôn ưu tiên hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại trước so với nhiệm vụ chuyển đổi số.

Chỉ có 3,5% DN còn lại cho rằng, chưa cần chuyển đổi số - Có nhiều việc cần ưu tiên hơn như tối ưu sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, tuyển dụng nhân công, điều hành hàng ngày.

 96,5% doanh nghiệp dệt may nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số (ảnh: Trần Chung)

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 40,3 tỷ USD (tăng 15,2% so với năm 2020). 6 tháng đầu năm 2022, ngành hàng xuất khẩu ước đạt 22,3 tỷ USD. Dẫu vậy, không thể chủ quan. Những con số trong báo cáo đã chỉ ra thực tế, chuyển đổi số đang được coi là phương án quan trọng và cấp thiết mà các DN dệt may cần hướng tới. Chính sự chuyển đổi của các công nghệ số và sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành đòi hỏi DN chuyển hướng, thay đổi chiến lược kinh doanh và đổi mới công nghệ nếu muốn đảm bảo lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững. 

Chuyển đổi số ngành dệt may cũng được đề cập, nhấn mạnh tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt May–Thiết bị và Nguyên phụ liệu (SaigonTex- SaigonFabric 2022) do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), CP Exhibiition (Hồng Kong) phối hợp tổ chức.

Tại sự kiện trên, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Vinatex thông tin, với vai trò là ngành công nghiệp trọng điểm trong nền kinh tế, đóng góp kim ngạch xuất khẩu cao, đồng thời mang lại việc làm cho số lượng lớn lao động, ngành dệt may Việt Nam nhận được sự quan tâm của Bộ, ban, ngành và chính quyền các cấp. Trong các định hướng phát triển ngành, Chính phủ luôn đề cập việc đẩy mạnh việc nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, từng bước tham gia vào các công đoạn cao hơn trong chuỗi sản xuất dệt may toàn cầu. 

Cũng theo đại diện Vinatex, ngành dệt may càng phát triển mạnh, không chỉ tự động hoá máy móc thiết bị mà còn tiến tới quản trị tự động theo thời gian thực. Bên cạnh đó, các công nghệ dệt may hiện đại tập trung quan tâm giải quyết vấn đề liên quan đến sản xuất xanh, hạn chế sử dụng hoá chất, tiết kiệm tài nguyên, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo... Hiện, các thế hệ công nghệ phát triển rất nhanh, đòi hỏi các DN phải cập nhật thường xuyên nếu không muốn trở nên lạc hậu và giảm khả năng cạnh tranh.

Thiết bị tự động hóa ngành dệt may tại SaigonTex- SaigonFabric 2022 (ảnh: Trần Chung)

Những thay đổi không tưởng

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Vitas cho rằng, từ một DN bình thường chuyển sang DN số sẽ thay đổi đủ thứ. Thay đổi về phương pháp điều hành, quy trình làm việc hay cả văn hóa trong công ty. Nhưng không có con đường nào khác lúc này, chuyển đổi số hoặc là "chết". Nếu chuyển đổi số thành công sẽ có những “quả ngọt” cho DN.

Bà Mai dẫn chứng, công cụ thiết kế 3D như một phần của chuyển đổi số, DN tận dụng Big Data, tiết kiệm được thời gian thiết kế sản phẩm. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nâng cao hiệu suất cho toàn ngành dệt may. Đơn cử, có những nhà máy sợi ở Việt Nam đã ở mức hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tự động hóa từ khâu đưa bông vào cho đến đóng gói thành phẩm. Hiện nhà máy này nằm tại Đồng Nai.

Là đối tác cấp cao có thị phần Google lớn nhất Đông Nam Á và nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số hàng đầu, Chủ tịch Novaon – ông Nguyễn Minh Quý nhận định, chuyển đổi số có tác động rất mạnh tới quản lý nhân sự ngành dệt may bởi đây là ngành có số lượng người lao động khổng lồ tại các nhà máy và hệ thống chấm công lương phức tạp.

Ví dụ, nhà máy chấm công bằng nhận diện khuôn mặt, năng lực của camera AI “bắt” đúng người trên 90% kể cả khi đeo khẩu trang. Điều này giải quyết được ùn tắc chấm công đầu giờ, giảm thời gian xếp hàng chờ đợi. Ngoài ra, DN dùng QR code, wifi, hoặc dùng ứng dụng như một phương thức chấm công. Từ đó, đơn vị liên kết dữ liệu lên thẳng máy chủ, tiết kiệm thêm thời gian tổng hợp. Thậm chí, nhân viên có thể xem được luôn báo cáo công việc hàng ngày, họ tự tính công lương của mình để từ đó tăng năng suất làm việc phù hợp.

Hơn 100 DN ngành dệt may tham gia khảo sát đã khẳng định, việc ứng dụng chuyển đổi số đã góp phần giúp ích cho hoạt động kinh doanh gồm: tối ưu chi phí, tăng năng suất lao động, tăng doanh thu. 60% DN có kết quả khả quan về tiết kiệm chi phí, năng suất lao động và doanh thu. Các chỉ số đã tốt hơn từ 10-20% trong 2 năm vừa qua.

Đối tác dệt may trong và ngoài nước trao đổi thông tin tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt May–Thiết bị và Nguyên phụ liệu 2022 (ảnh: Trần Chung)

Tại SaigonTex- SaigonFabric 2022, chuyển đổi số được nhiều DN trong và ngoài nước quan tâm. Có tới 278 đơn vị đến từ 16 quốc gia & vùng lãnh thổ cùng nước chủ nhà Việt Nam tham dự sự kiện. Nhiều công ty tên tuổi như Jack (Trung Quốc), Brother (Nhật Bản), Robotech (Thổ Nhĩ Kỳ), Morgan (Ý), H&H (Hongkong)… đã giới thiệu các thiết bị và nguyên phụ liệu với công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay cho thị trường dệt may Việt Nam. 
 
Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI HCM) - đơn vị bảo trợ sự kiện, mong muốn đây là dịp thúc đẩy sản xuất của DN dệt may. Ngoài việc hợp tác giữa các DN trong nước với nhau thì quá trình kết nối, thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với DN, nhà đầu tư nước ngoài để hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu là điều hết sức cần thiết. 

Trần Chung

16 quốc gia phô diễn công nghệ dệt may mới nhất tại Việt NamSáng 27/7, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt May–Thiết bị và Nguyên phụ liệu (SaigonTex- SaigonFabric 2022) đã chính thức diễn ra tại TP.HCM. Sau 2 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, sự kiện mới được tổ chức lại.