Hà Lan là đất nước tập trung đông người Việt Nam sinh sống, làm việc. Đến nay, đã có thế hệ thứ 3, thứ 4 là người Việt sinh ra và lớn lên ở đây. 

Khoảng 10 năm trước, những lớp học tiếng Việt ở Hà Lan gần như không có. Vì thế, các thế hệ thứ 3, thứ 4 đều hạn chế về khả năng nói tiếng Việt do hàng ngày tiếp xúc, học tập hoàn toàn bằng ngôn ngữ nước sở tại. Trong khi bố mẹ cũng bận rộn công việc, ít có thời gian để dạy con học tiếng Việt bài bản.

Thời điểm đó cũng có một số lớp dạy và học tiếng Việt được mở ra nhưng mang tính tự phát, không thu hút được học viên nên sau thời gian ngắn phải đóng cửa. Trước thực trạng đó, năm 2017, Đại sứ quán Việt Nam ở Hà Lan đã kêu gọi cộng đồng người Việt Nam chung tay mở lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào. Giáo viên là cán bộ, phu nhân ngoại giao và một số tình nguyện viên trong cộng đồng.

ha-lan-1.jpg
Các giáo viên và phụ huynh ở Hà Lan không chỉ nỗ lực truyền dạy tiếng Việt mà còn chú trọng đến các vấn đề văn hóa, truyền thống của dân tộc Vệt Nam.

Trải qua quãng thời gian dài khó khăn, đặc biệt là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan cùng các cô giáo vẫn cố gắng duy trì, sử dụng nền tảng số để dạy học. Đến nay, lớp học ngày càng phát triển, thu hút đông đảo các em học sinh – sinh viên đến học. 

Trong năm 2023, nhiều chương trình và lớp học tiếng Việt tại Hà Lan đã được tổ chức. Mới đây nhất, ngày 15/10, lễ khai giảng lớp tiếng Việt năm học 2023-2024 của bà con cộng đồng người Việt đã diễn ra tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan. Học viên gồm nhiều lứa tuổi, từ các cháu bé, sinh viên, đến những người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam.

Đến dự và phát biểu tại buổi khai giảng, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam đã biểu dương toàn thể học sinh, các giáo viên và chia sẻ với bà con tham dự về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Ngoại giao đang triển khai nhằm giúp đỡ bà con học tiếng Việt ở nước ngoài. Theo đó, ngày 8/9 hàng năm được chọn là ngày Tôn vinh tiếng Việt trong Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đại sứ Ngô Hướng Nam nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì tiếng Việt vì đây được coi là sợi dây bền chặt, thiêng liêng giúp các kiều bào kết nối với cội nguồn dân tộc, đất nước. Bên cạnh việc giữ gìn tiếng Việt, lan tỏa tiếng Việt cũng là việc làm rất cần thiết ở nước ngoài, bởi tiếng Việt còn là phương tiện góp phần truyền bá bản sắc văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế. Đặc biệt, không chỉ có người Việt mà ngày càng có nhiều người nước ngoài có nhu cầu học tiếng Việt để đến Việt Nam sinh sống, làm việc.

Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài cũng đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là bởi một số gia đình kiều bào chưa thật sự quan tâm tới việc học tiếng Việt của thế hệ con em; hơn nữa, do đội ngũ giáo viên còn thiếu, chủ yếu là kiều bào, cán bộ, con em của các nhân viên Đại sứ quán tham gia giảng dạy tình nguyện, kỹ năng sư phạm còn hạn chế. Mặt khác, chưa có địa điểm dạy học cho cộng đồng, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn… Vì thế, trước mắt, Đại sứ Ngô Hướng Nam mong bà con cố gắng duy trì phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng.

Nội dung dạy được đội ngũ giáo viên đa dạng hóa, phân theo từng độ tuổi với học cụ phù hợp. Thi thoảng, lớp sẽ có cuộc thi đọc sách, thi làm thơ, kể chuyện… để nâng cao khả năng đọc và nói tiếng Việt cho học viên. Nhiều tranh, sách, hình ảnh đến truyện tiếng Việt được bà con quyên góp, ủng hộ cho lớp học. 

Các giáo viên thường chọn chủ đề dạy phù hợp theo từng lứa tuổi. Theo đó, với các em nhỏ, cô giáo sẽ dạy truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, truyện Mị Châu Trọng Thủy; với lứa tuổi lớn hơn, các giáo viên sẽ lồng ghép vào những câu chuyện lịch sử để dạy về công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông. Qua các bài giảng, các em sẽ hiểu thêm về tinh thần yêu nước, về quá khứ vẻ vang của dân tộc, để hun đúc thêm tình yêu với quê hương, cội nguồn. 

Đến nay, đã có nhiều lứa học sinh của lớp đã thành thạo tiếng Việt, hát được bài hát tiếng Việt. Đối với trẻ em sinh và lớn lên ở Việt Nam, điều đó hoàn toàn bình thường nhưng với các em nhỏ gốc Việt sinh ra, lớn lên ở quốc gia khác, đó là cả sự nỗ lực, cố gắng và là trái ngọt không chỉ của gia đình, của cộng đồng mà còn là niềm tự hào của Việt Nam. Người Việt dù đi đâu, làm gì vẫn duy trì, bảo tồn được ngôn ngữ của đất nước mình. 

Bên cạnh việc dạy tiếng Việt, các lớp học còn chú trọng đến các vấn đề văn hóa, để các em không chỉ nói, viết được tiếng quê hương mà còn hiểu về phong tục, tập quán truyền thống.

Một hoạt động điển hình được lớp học duy trì đều đặn vào mỗi dịp Tết cổ truyền là khóa học gói bánh chưng. Để thực hiện gói bánh chưng, giáo viên của lớp học cùng một số bà con Việt kiều đã chuẩn bị đủ các nguyên liệu truyền thống như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, hạt tiêu, nước mắm, lá dong và lạt giang... được chuyển trực tiếp từ Việt Nam sang. 

Hay là vào dịp trung thu, cộng đồng người Việt sẽ tổ chức rước đèn, vẽ mặt nạ, múa lân, làm đèn ông sao… Kết hợp với đó là các hoạt động trò chơi dân gian như: Nhảy dây, đá cầu, kéo co, bịt mắt bắt dê, đi cà kheo…

Chị Lều Thị Thu Hiền, một trong những phụ huynh tích cực của lớp học tiếng Việt chia sẻ: “Các thế hệ người Việt sinh ra, lớn lên ở Hà Lan đều rất nhạy bén, có thành tích học tập tốt, nhiều người trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, nhà nghiên cứu…  Điều đó rất đáng tự hào, góp phần đưa Việt Nam vươn xa.

Lớp học tiếng Việt do Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan mở nhằm giúp các gia đình kiều bào duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ cho các cháu nhỏ, cho những thanh thiếu niên chưa biết tiếng Việt, giúp tăng cường sự giao tiếp tiếng Việt giữa con em với nhau và trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích các em hướng về quê hương, đóng góp cho quê hương khi các em trưởng thành”.

Overbeek Gerrit Tim (SN 2006) mang trong mình hai dòng máu Việt – Hà Lan. Chàng trai này đã tham gia nhiều dự án về công nghệ nano và đo lường con người; tham gia năng nổ vào các hoạt động cộng đồng. Tim chia sẻ, trước đây, em không nói được tiếng Việt, nhiều hoạt động cộng đồng có các bạn Việt Nam tham dự, phần lớn chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh và Hà Lan. 

Tim tham gia hoạt động thiện nguyện tại Quảng Bình cùng các thanh, thiếu niên, sinh viên gốc Việt.

Tuy nhiên, Tim thấy mình cũng mang một nửa dòng máu Việt. Việc không nói được tiếng Việt thực sự đáng buồn và xấu hổ. Vì thế Tim tham gia lớp học và nhờ các bạn người Việt hỗ trợ rèn luyện khả năng nói.

Tháng 7/2023, khi Tim có dịp tham gia Trại hè, gặp nhiều bạn cũng trở về từ nước ngoài mà nói tiếng Việt trôi chảy, Tim càng thấy hứng thú và thích học ngôn ngữ mẹ đẻ. Chàng trai sinh năm 2006 cho biết, thời gian tới sẽ thường xuyên về Việt Nam hơn, để thăm ông bà, người thân và tăng cường việc học tiếng Việt của mình. 

"Em rất yêu Việt Nam, yêu ẩm thực Việt Nam. Mọi người rất hòa đồng và dễ mến. Phong cảnh nước mình rất đẹp. Khi giới thiệu bản thân với mọi người, em tự hào khi nói mình cũng có 1 nửa dòng máu Việt", Tim nói. 

Quỳnh Nga