Michael E. Porter tốt nghiệp hạng nhất chuyên ngành kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ tại Đại học danh giá Princeton vào năm 1969.

Hai năm sau, ông hoàn thành chứng chỉ thạc sỹ loại xuất sắc và lấy bằng tiến sĩ Kinh tế học kinh doanh tại Đại học Harvard vào năm 1973.

Giáo sư Michael E. Porter là cha đẻ của lý thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia

Trong suốt sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu, giáo sư Porter đã đúc kết các lý thuyết kinh tế và khái niệm chiến lược để giải quyết nhiều thách thức mà các tập đoàn, nền kinh tế và xã hội phải đối mặt như cạnh tranh thị trường, chiến lược phát triển, vấn đề môi trường và sức khỏe. 

Mối quan tâm của Porter về lĩnh vực "cạnh tranh" nảy nở khi chàng sinh viên Princeton tham gia giải vô địch golf tại trường và sau này khi chơi các môn bóng đá, bóng chày và bóng rổ.

Một số cuốn sách luận về chủ đề "cạnh tranh" của ông.

Sau đó, Michael E. Porter đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu và là tác giả của 20 cuốn sách, hàng trăm bài báo như "Chiến lược cạnh tranh", "Lợi thế cạnh tranh", "Lợi thế cạnh tranh của các quốc gia" hay "Bàn về cạnh tranh".

Nổi bật và có sức ảnh hưởng là cuốn "Lợi thế cạnh tranh của các quốc gia" viết năm 1990. Ông lập luận rằng chìa khóa dẫn đến sự giàu có và lợi thế quốc gia là năng suất hoạt động của các doanh nghiệp và người lao động, đồng thời là môi trường trong nước và khu vực hỗ trợ năng suất đó. 

Porter đề xuất mô hình "kim cương" gồm 4 yếu tố quyết định lợi thế quốc gia gồm: điều kiện đầu vào sẵn có, chiến lược cơ cấu và cạnh tranh của công ty, các điều kiện về nhu cầu, các ngành hỗ trợ và có liên quan.

Chính Porter là người đầu tiên giới thiệu khái niệm phân tích chuỗi giá trị. Đây là một ý tưởng đột phá đã thay đổi động lực của cách thức tiến hành các hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, ông cũng dành sự quan tâm đáng kể để tìm hiểu và giải quyết các vấn đề cấp bách trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Mỹ và nhiều quốc gia khác. 

Ngoài công việc nghiên cứu, viết và giảng dạy, Porter còn là thành viên sáng lập và điều hành Hội đồng Cạnh tranh của chính phủ Mỹ, tư vấn về chiến lược cạnh tranh cho nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, New Zealand, Canada, Ấn Độ, Singapore...

Ông đạt kỷ lục 9 lần đoạt giải thưởng McKinsey cho bài báo Harvard Business Review hay nhất trong năm và là một trong những tác giả có tác phẩm được trích dẫn nhiều nhất trong lĩnh vực kinh doanh và kinh tế.

Giáo sư cũng là người nhận được 26 bằng tiến sĩ danh dự. Năm 2001, chính phủ Nhật Bản đã thành lập giải thưởng mang tên ông để vinh danh những công ty dẫn đầu về chiến lược.

Năm 2008, ông được Bộ Thương mại Mỹ trao tặng giải thưởng thành tựu trọn đời cho những đóng góp với sự phát triển kinh tế quốc gia.

Vị giáo sư lỗi lạc của ĐH Harvard là thành viên Hội đồng giải thưởng VinFuture 2021 và 2022.

Bảo Huy (Tổng hợp)