GẦN NỬA THẾ KỶ GIỮ HỒN VĂN HÓA BANA CỦA NGHỆ NHÂN U70

Từ khi 5 tuổi ông A Biu đã được theo cha đi dự các lễ hội và nghe đánh cồng chiêng. Suốt nhiều thập kỷ qua, nghệ nhân 67 tuổi vẫn miệt mài với con đường bảo tồn văn hoá, nói tiếng nói, sống cách sống của người Bana.

Cách trung tâm TP Kon Tum 7km về hướng Tây Bắc là làng Klếch, xã Ngọc Bay với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có tiềm năng lớn phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa.

Tại đây, phóng viên gặp nghệ nhân A Biu đã 67 tuổi chủ một homestay cồng chiêng độc đáo giữa núi rừng Tây Nguyên. Năm 2019, điểm du lịch của gia đình ông trở thành một trong hai sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và là điểm du lịch được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Là người con của mảnh đất Tây Nguyên, từ khi 5 tuổi ông A Biu đã được theo cha đi nhiều lễ hội, nghe đánh cồng chiêng. Kể từ sau lần đó, suốt nhiều thập kỷ nghệ nhân 67 tuổi nối tiếp tay đánh chiêng, chơi đàn t’rưng, đi khắp vùng. Ông miệt mài với con đường bảo tồn văn hoá, nói tiếng nói, sống cách sống của người Bana,

Ông A Biu còn có tài “mê hoặc” người nghe bằng những bài sử thi Bana hùng tráng, những câu chuyện cổ Bana hấp dẫn.

Mỗi lần khách tới thăm nhà, ông lại tự hào chỉ vào bức tranh lớn trong nhà và kể về dòng sông Đăk Bla, nơi đã nuôi lớn bao thế hệ người Bana, Jrai, Xơ Đăng ở Kon Tum. Trong sử thi của người Bana, Xơ Đăng, những cộng đồng sống dọc sông Đăk Bla rất giàu mạnh. Mải mê với câu chuyện, người nghệ nhân lại ngân nga khúc Tình ca trên sông Đăk Bla.

Mê tiếng chiêng nên ông tự tìm hiểu và đi khắp chốn để sưu tầm. Nghệ nhân A Biu từng có tới 12 bộ chiêng cổ nhưng giờ chỉ còn 7 do có những bộ chiêng ông tặng cho bảo tàng hoặc bán cho các huyện trong tỉnh và Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Kon Tum.

Khi gặp phóng viên, ông A Biu khoe chiếc chiêng lớn nhất. Đó là một trong những bộ chiêng quý có tên là Klang Brông (còn gọi là chiêng Đại Bàng), mệnh danh là “tứ đại kỳ chiêng” vô cùng quý giá của người Bana. Bộ chiêng này có 12 chiếc, mỗi khi đánh, thanh âm có độ nhạy lớn, khi dìu dặt khoan thai, khi như tiếng thác chảy vang rền khắp không gian… Trong đó, chiêng cái (hay còn gọi là chiêng mẹ) khá dày, nặng khoảng 12kg, được gò đồng với vân nổi khắc trên mặt, giống cánh chim đại bàng đang xòe rộng. Đánh một tiếng nghe rung đều, âm vang khắp không gian. 

Người nghệ nhân cao tuổi cười hiền, đây cũng là bộ chiêng mà ông phải giấu vợ, lén dắt bò đi bán để mua cho bằng được. “Những nhạc cụ như cồng, chiêng đối với người Tây Nguyên rất quý báu. Nó là bản sắc, mang trong mình âm thanh linh thiêng của dân tộc”, ông nói.

Căn nhà nhỏ được mọi người ví như bảo tàng của ông A Biu lưu trữ, trưng bày đầy đủ những nét văn hóa đặc trưng của người Bana với cây nêu, nhà sàn, cùng các hiện vật trong sinh hoạt đời sống cộng đồng. Nào là cồng, chiêng, chóe, cung tên, giáo, mác, bầu, gùi, các vật dụng lao động,... Mỗi đồ vật, cành cây tại đây đều có một câu chuyện, ông say mê kể lại cho từng vị khách.

Với nghệ nhân A Biu, làm du lịch còn là niềm vui: "Hạnh phúc của tôi là được mang văn hoá dân tộc Bana đến với nhiều người hơn".

Từ tình yêu bền bỉ đó, ông A Biu đã mang từng cành cây, tạc từng bức tượng, dựng từng cây cột để làm nên không gian du lịch cộng đồng rộng hơn 1.000m2, nơi được ví như Tây Nguyên thu nhỏ. Ông A Biu chỉ về phía chiếc chuông gió quay tự làm được treo ngay phía cổng vào và bảo, người Bana xưa vẫn hay dùng nó để biết về thời tiết. 

Mỗi khách tới chơi đều gõ vào dàn ching chiêng treo ngay cổng vào, như báo hiệu cho mọi người biết họ sắp bước vào một thế giới của văn hóa Bana được gìn giữ gần như nguyên bản ở làng Plei Klếch. 

Khoảng sân trước nhà có cây nêu, treo đầy cồng chiêng, trống và cả đàn t’rưng là sân khấu, nơi ông và nhiều lớp con cháu thường trình diễn mỗi khi khách tới tham quan. 

Những người trong gia đình đều được ông truyền dạy đánh chiêng, chơi các nhạc cụ dân tộc. Có đứa bé nhỏ xíu cũng nhún nhảy, gõ từng hồi lên lá chiêng nhỏ, gây ấn tượng mạnh đối với du khách.

Nghệ nhân A Biu luôn hy vọng, các thế hệ trẻ sẽ đam mê chiêng, yêu chiêng và gìn giữ chiêng như cha ông của họ. Đây là lý do và là nguồn động lực để ông giữ lửa chiêng, nhiệt huyết truyền dạy cồng chiêng cho con cháu cũng như học sinh ở các trường, thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. 

Niềm tự hào của ông A Biu là xây dựng được điểm du lịch sau nhiều năm theo đuổi cồng chiêng và dành gần một thập kỷ để sưu tầm chúng "Tôi rất hạnh phúc khi chỉ chơi chiêng cổ, không bao giờ chơi cải tiến. Tôi là một người giữ hồn văn hóa nên phải giữ cái gốc của người Bana chứ không sao chép" ông nói.

Ông quan niệm: "Một làng không nghe tiếng chiêng, không có nhà Rông, không có nhà sàn, đó là ngôi làng không có hồn".

Với nghệ nhân 67 tuổi thì bàn tán về cồng chiêng chẳng bao giờ hết thứ để nói. Hiện nay ở Kon Tum đã hình thành các làng du lịch cộng đồng như làng Long Loi ở Đăk Hà, làng Kon Pring ở Kon Plong…

Ông tâm sự: “Tôi làm du lịch không phải để lấy tiền mà là để chia sẻ đam mê, giới thiệu cho mọi người biết cuộc sống, văn hóa của người Bana là như vậy. Khách đến đây thấy vui vẻ, thoải mái như đang ở chính ngôi nhà của họ là mình vui, quên hết mệt mỏi”.

Ông A Biu tự hào kể, nhiều du khách nước ngoài thích không gian ở đây và mong muốn học cách đánh cồng chiêng. Sau mỗi lần trò chuyện đó, nghệ nhân lại lấy đàn hát tặng bằng vài câu tiếng Anh quen thuộc.

Bà Phạm Thị Thuý Diễm - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Bay khẳng định ông A Biu là nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi và sưu tầm được nhiều bộ chiêng quý đem trưng bày tại điểm du lịch. "Không chỉ hoạt động tích cực trong công tác bảo tồn, phát triển văn hoá cồng chiêng của đồng bào DTTS, nhiều hoạt động khác của ông A Biu đã thúc đẩy người dân xã noi theo, tự ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc", bà Diễm nói.