Dừa tươi tăng giá gấp đôi chỉ sau 1 tháng nắng nóng

Chỉ sau 1 tháng, giá dừa tươi bán sỉ đã tăng gần gấp đôi nên các tiểu thương phải tìm cách để người tiêu dùng bớt sốc.

Ông Nguyễn Trung Dũng, đại diện thương hiệu dừa Coco Power (Bến Tre), xác nhận trên Báo Người Lao Động, giá dừa mua tại vườn hiện lên mức 110.000-130.000/chục 12 trái trong khi tháng trước chỉ 50.000-70.000 đồng/chục 12 trái.

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam Cao Bá Đăng Khoa nói rằng theo thông lệ mùa nắng nóng giá dừa tươi tăng cao. Tuy nhiên, so với trung bình các năm thì giá dừa tươi tại vườn đang cao hơn từ 50-60%.

Thanh long nghịch vụ tăng giá mạnh

Mùa khô năm nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rơi vào cảnh khan hiếm nguồn nước tưới. Nhiều cây trồng suy kiệt, giảm năng suất, trong đó, có cây thanh long. Theo Báo Tin Tức, sản lượng giảm mạnh dẫn đến giá thanh long khoảng hơn 2 tuần trở lại đây tăng cao.

Thanh long ruột trắng đang được thương lái thu mua khoảng 15.000-18.000 đồng/kg và thanh long ruột đỏ từ 30.000-35.000 đồng/kg (tăng từ 10.000-13.000 đồng/kg) so với cách đây 2 tuần. Đây là mức giá cao, giúp nông dân thu lợi nhuận tốt.

Khách sạn ở Đà Nẵng bất ngờ ế ẩm

Nhiều khách sạn ở Đà Nẵng kỳ vọng đón lượng khách bùng nổ, kín phòng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Tuy nhiên, đến nay, không ít khách sạn vẫn trống nửa số phòng, vắng bóng khách nội địa.

du lich da nang 1 298.jpg
Du khách tham quan Đà Nẵng. Ảnh Hồ Giáp

Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Ngô Thị Hương - Giám đốc điều hành Khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng - cho biết, đến nay, tỷ lệ lấp đầy phòng của khách sạn mới chỉ khoảng 50%, trong đó 70% là khách quốc tế. 

Bà Hương cho rằng, nguyên nhân là người dân thắt chặt chi tiêu. Cùng với đó, vé máy bay nội địa khan hiếm, giá tăng cao khiến khách ít đi du lịch hơn. Ngoài ra, theo bà Hương, kỳ nghỉ lễ năm nay tuy dài nhưng lịch được đưa ra hơi trễ cũng ảnh hưởng đến kế hoạch đi du lịch của nhiều gia đình. (Xem chi tiết)

Phú Quốc ‘đau đầu’ lo ế khách, nhiều điểm đến ‘cháy’ phòng

Vé máy bay ra Phú Quốc (Kiên Giang) đắt nhất trong các chặng bay nội địa khiến khách đi đảo Ngọc dịp lễ 30/4-1/5 có nguy cơ vắng hơn năm ngoái. 

Ghi nhận đầu giờ chiều 25/4, vé máy bay từ Hà Nội đi Phú Quốc vẫn còn nhưng giá siêu đắt đỏ, lên tới 8,6 triệu đồng/vé khứ hồi, sau đó vài tiếng cũng hết nhẵn. Từ TP.HCM, giá vé khoảng 4 triệu đồng nhưng còn rất ít.
Trong khi đó, các điểm du lịch nổi tiếng khác khách đặt gần kín phòng. Chẳng hạn, tại Sa Pa, các khách sạn 3-4 sao hết sạch phòng; hệ thống khách sạn 5 sao cũng kín khách vào các ngày 29, 30/4, chỉ còn phòng từ ngày 1/5 (đã đầy 80%).

Tại Nha Trang, nếu như trong phố lượng phòng còn khá dồi dào khi khách sạn 5 sao mới đạt 70-73% công suất thì riêng khu vực Cam Ranh, tỷ lệ đặt phòng lên tới 90%. (Xem chi tiết)

Vé máy bay 30/4-1/5 nhiều chặng bị vét sạch dù giá 'trên trời'

Nhiều chặng bay từ Hà Nội, TP.HCM đến các điểm du lịch nổi tiếng hết sạch, dù giá đắt đỏ. 

Theo khảo sát của PV chiều 24/4, trên các chặng bay từ Hà Nội đi Điện Biên, Tuy Hòa, Đồng Hới, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Côn Đảo... không còn chuyến bay nào. Toàn bộ vé máy bay của các hãng đã bán hết. Với nững chặng bay còn vé, không có dấu hiệu cho thấy giá vé sẽ giảm vào sát kỳ nghỉ như những năm trước. (Xem chi tiết)

Cho thuê xe tự lái đắt hàng 

Theo Báo Tin Tức, việc giá vé máy bay tăng cao chót vót trong khi vé đường sắt đã "cạn" khiến nhiều du khách, gia đình chuyển hướng sang lựa chọn các phương tiện khác có mức giá phù hợp hơn như đi xe cá nhân hoặc thuê xe tự lái.

Nhiều đơn vị cho thuê xe hoạt động hết công suất và hầu hết xe đã kín lịch, giá cho thuê không tăng.

Lý giải vì sao giá thuê xe ô tô tự lái năm nay không tăng đột biến như mọi năm, các cơ sở cho thuê xe tự lái cho rằng, kinh tế còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, giá nhiều loại mặt hàng tăng đột biến khiến nhiều người phải cân đối, thắt chặt lại chi tiêu hơn. Do đó, các cơ sở cho thuê xe vẫn giữ giá cho thuê như ngày thường để cùng chia sẻ khó khăn và kích cầu dịch vụ.