Trao đổi với PV VietNamNet, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh này muốn chuyển dự án điện than BOT Nam Định 1 sang làm dự án điện khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) để đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất điện, thân thiện hơn với môi trường.

điện khí.jpg
Điện khí đang là xu thế thay thế cho điện than. Ảnh minh họa

"Qua xem xét, chúng tôi muốn chuyển thành dự án điện khí LNG. Tuy nhiên trước mắt vẫn phải cần tính toán lại cụ thể", ông Dũng cho hay.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I là 1 trong 5 dự án nhiệt điện than BOT chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Nam Định I được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 15/6/2017 tại Nam Định cho liên danh Tập đoàn Taekwang Power (Hàn Quốc) và Acwa Power (A-Rập-Xê-Út) đầu tư, thông qua pháp nhân là Công ty TNHH Điện lực Nam Định thứ nhất (có trụ sở tại Singapore).

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); được thực hiện tại địa bàn hai xã Hải Châu và Hải Ninh (Hải Hậu) trên diện tích 242,71ha.

Dự án được xây dựng, vận hành theo thiết kế nhà máy nhiệt điện đốt than, với công suất khoảng 1.109,4MW, gồm hai tổ máy, công suất mỗi tổ khoảng 554,7MW.

Được biết, từ trước năm 2010, dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 đã được triển khai những bước ban đầu tại huyện Hải Hậu.

Theo đó, tỉnh Nam Định đã dành một phần diện tích đất lớn để phục vụ việc di dân, tái định cư, lấy đất phục vụ dự án.

Tới ngày 2/7/2017, dự án chính thức được Bộ Kế hoạch - Đầu tư trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thời gian dự kiến khởi công được công bố tại buổi lễ là vào giữa năm 2018.

Tuy nhiên, do khó khăn về bố trí vốn, thay đổi cổ đông và hoàn tất các quy trình, thủ tục liên quan nên dự án đã bị chậm tiến độ nhiều năm.

Trước đó, ngày 6/11 Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo về Kết luận của Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân các tháng cuối năm 2023, năm 2024 và chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm, 10 năm tiếp theo; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong đó, kết luận về nguồn điện than BOT, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống kê lại các dự án BOT chậm tiến độ so với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để có nguồn thay thế bổ sung phù hợp, xử lý dứt điểm vấn đề này trước ngày 15/11/2023; quá hạn theo quy định thì dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch hoặc chấm dứt hợp đồng.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn có 5 dự án. Tổng công suất của 5 dự án này lên tới 7.220MW, gồm: Nhiệt điện Quảng Trị (1.320MW), Nhiệt điện Công Thanh 600MW, Nhiệt điện Nam Định I 1.200MW, Nhiệt điện Vĩnh Tân III 1.980MW, Nhiệt điện Sông Hậu II 2.120MW.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đang đề nghị xem xét, chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG của Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn và cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Dự án nhiệt điện Quảng Trị, nhà đầu tư là Tổng công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đã có văn bản thông báo dừng triển khai dự án. Tỉnh Quảng Trị đề xuất thay thế bằng nguồn điện LNG theo văn bản ngày 9/8. Nhiều địa phương khác cũng đang muốn chuyển đổi các dự án điện than chưa triển khai sang làm điện khí.