Bệnh nhân vào Bệnh viện E (Hà Nội) khám và được các bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm, siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính. Kết quả, bác sĩ xác định người bệnh bị sỏi niệu quản phải 1/3 dưới (nằm ở vị trí đoạn nối của niệu quản khi vào tới bàng quang), sỏi kích thước 9x7mm. Bất ngờ hơn, người bệnh có thận niệu quản đôi - 4 quả thận và hai niệu quản riêng biệt đều cắm xuống bàng quang

Bệnh nhân cho biết, 7 năm trước, con gái của anh mới sinh được phát hiện có 3 quả thận và 2 bàng quang (một bàng quang lớn và 1 bàng quang nhỏ). 18 tháng tuổi, bé được cắt bỏ 1 bàng quang nhỏ, cấu tạo lại hệ tiết niệu. 

benh than.png
Bệnh nhân sau phẫu thuật lấy sỏi thận. Ảnh: BVCC.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, đây là dị tật bẩm sinh, do mầm niệu quản bên trái phát triển bất thường trong lúc bào thai hình thành và phát triển. Trường hợp này rất hiếm gặp, đến nay y văn thế giới ghi nhận chưa nhiều. May mắn, 4 quả thận và 2 niệu quản riêng biệt đều cắm đúng vị trí bàng quang nên loại trừ được nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Bác sĩ Liên cho biết thêm, bệnh nhân bị sỏi thận và tự điều trị không hiệu quả dẫn đến viêm, phù nề ở vị trí lỗ niệu quản, gây khó khăn cho các bác sĩ khi tìm lỗ niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi. Các bác sĩ lựa chọn phương pháp nội soi ngược dòng tán sỏi niệu quản - sỏi thận bằng laser. Sau đó, sử dụng năng lượng khí nén hoặc laser để phá vỡ viên sỏi và bơm rửa, gắp lấy hết vụn sỏi ra ngoài. Phương pháp này có những ưu điểm vượt trội như: ít xâm lấn, bảo vệ chức năng thận.

Bác sĩ Liên khuyến cáo người bệnh sau khi mổ cần có chế độ ăn dễ tiêu hóa để tránh táo bón, ăn nhiều rau củ quả, uống nhiều nước, tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn; tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ; không nên nằm quá nhiều, đi lại nhẹ nhàng, không nâng, kéo, vận động mạnh trong thời gian phục hồi; tái khám theo đúng thời gian chỉ định của bác sĩ để kiểm soát khả năng tái phát sỏi trong tương lai.