Cuối tuần qua, tại Nhà hát Chèo Việt Nam (Kim Mã, Hà Nội diễn ra chương trình "Nghệ thuật diễn xướng nghi lễ Chầu văn đồng bằng Bắc Bộ lần thứ 8". Chương trình do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông, Cục Văn hoá cơ sở cùng các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian, thanh đồng đến từ các tỉnh thành phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái… cho đến các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Đắk Lắk… 

Đây là hoạt động được tổ chức thường niên (năm 2021 bị gián đoạn vì dịch Covid-19), với mục đích góp phần tôn vinh di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Nhiều năm qua, các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian hát văn, các thanh đồng đã có công gìn giữ bảo tồn phát huy văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, góp phần định hướng cho loại hình nghệ thuật hội tụ nhiều giá trị văn hóa mang nhiều màu sắc tâm linh được đi đúng hướng của một di sản phi vật thể.

Các nghệ nhân, thanh đồng tham gia chương trình.

Thờ Mẫu là một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian phổ biến của người Việt Nam, nhất là cư dân khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sự phát triển mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Mẫu xuất phát từ tính nhân văn, tính nghệ thuật và khả năng đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.

Hoạt động nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi lễ chầu văn, ẩn chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật rất độc đáo. Nó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về thần linh, được thần thánh hoá từ các nhân vật anh hùng có công với đất nước. Đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc dân gian phong phú, hấp dẫn.

Thông qua việc tôn vinh các bậc tiền nhân, người dân gửi gắm trong đó ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật nảy nở sinh sôi. Ở góc độ tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu còn thể hiện nguyện vọng rất chân chính của con người là cầu mong sức khoẻ, bình an, công việc được thuận lợi, suôn sẻ. 

Tham gia chương trình, các nghệ nhân, thanh đồng đã trình diễn những tiết mục đặc sắc nhất. Mở đầu là giá Chúa Đông Cuông của nghệ nhân thanh đồng Hoàng Xuân Mai đến từ Hà Nội. Đây là lần đầu tiên thanh đồng này tham gia diễn xướng sân khấu nên cách trình diễn được đánh giá là có nhiều nét tươi mới, giữ được sự trong trẻo, hồn nhiên. Các màn trình diễn khác như giá quan Đệ Nhị, giá quan lớn Đệ Tam, giá quan lớn Tuần Tranh, giá Chầu bé Bắc Lệ, giá ông Hoàng Bảy, giá quan Hoàng Mười, giá Cô Đôi Thượng Ngàn, giá Cô Chín, giá Cô Bé… của các nghệ nhân tiêu biểu cũng mang đến nhiều nét đặc sắc và cuốn hút khán giả. 

Thanh đồng Hoàng Xuân Mai trình diễn giá chúa Đông Cuông.

Chia sẻ về lần đầu tham gia diễn xướng trên sân khấu lớn ở Hà Nội, nghệ nhân thanh đồng Hoàng Xuân Mai nói: “Tôi rất vinh dự được tham gia, đồng hành với chương trình và biểu diễn giá chúa Đông Cuông. Chúa Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt và có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu. Mẫu Thượng ngàn là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân. Nơi thờ chính là đền Đông Cuông (Yên Bái), ở Hà Nội có đền Rừng (Long Biên) thờ vọng. Mong muốn của thanh đồng chúng tôi là luôn có không gian để tôn vinh đạo Mẫu, bảo tồn và phát triển trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Bởi qua các chương trình này sẽ góp phần định hướng cách hiểu của khán giả về hình thức, trình thức của biểu diễn nghệ thuật mang màu sắc tâm linh với mong muốn luôn chấp hành đúng pháp luật của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng, góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc. 

Nghệ nhân thanh đồng Hoàng Xuân Mai mang đến nét hầu tươi mới, tự nhiên.

Gửi gắm mong muốn sau chương trình nghệ thuật và diễn xướng nghi lễ chầu văn đồng bằng Bắc Bộ, nghệ nhân Hoàng Xuân Mai cho rằng: “Đây là cơ hội để bảo tồn, gìn giữ và làm trong sáng hơn tín ngưỡng thờ Mẫu. Sống trong thời bình chúng ta càng phải ôn lại chiến tích của các anh hùng, người có công để làm bài học răn dạy cho con cháu. Tuy nhiên, vì là tín ngưỡng dân gian được truyền khẩu, không hoàn chỉnh hệ thống kinh sách, không ai tổng kết thành giáo lý, giáo luận, nguồn thông tin phổ cập còn hạn chế nên nhiều thanh đồng chưa hiểu rõ tường tận về tín ngưỡng thờ Mẫu, dẫn đến thực hành không đúng. Thậm chí một số người còn lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi cá nhân, gây bức xúc trong xã hội và cả những người trong cuộc. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể thì rất cần sự định hướng và đưa ra một quy chuẩn mẫu mực trong thực hành tín ngưỡng, xây dựng thành văn bản có sự chọn lọc, để dẫn dắt mọi người hiểu và thực hành theo đúng nghi lễ cổ truyền. Bên cạnh đó cũng đề nghị, các cấp có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý đối với những trường hợp lợi dụng mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân, làm mất đi giá trị nhân văn, nét đẹp văn hóa tâm linh của tín ngưỡng này”.

Qua chương trình này, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam mong muốn sẽ đúc rút được những kinh nghiệm để mở rộng quy mô hơn cho những lần sau. NSND Trịnh Thuý Mùi – Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tin tưởng rằng các nghệ nhân, thanh đồng – những người làm nên diện mạo của chương trình ngày hôm nay đã tô điểm và nâng cao nhận thức của xã hội, và cũng là nguồn tư liệu sống để đóng góp thiết thực cho nghệ sĩ, diễn viên và những người làm sáng tạo nghệ thuật sân khấu nói chung và đặc biệt là các loại hình truyền thống của dân tộc nói riêng, để phát huy hiệu quả nhất giá trị nghệ thuật truyền thống và đương đại của dân tộc Việt Nam. 

Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể đã họp tại Adis Abebas, Ethiopia đã thống nhất và đưa ra quyết định ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh với những tiêu chí nổi bật sau: di sản được coi là một phương thức quan trọng đối với các cộng đồng để thể hiện ký ức lịch sử, bản sắc văn hóa, tinh thần đoàn kết và đáp ứng nhu cầu tâm linh; việc ghi danh di sản này sẽ góp phần vào khả năng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản ở các cấp độ khác nhau, do có những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tôn thờ các thánh mẫu (nữ thần) như là biểu tượng của lòng từ bi và ban ơn trong các phần còn lại của thế giới, và sự kết hợp của đạo giáo, Phật giáo và nhiều tôn giáo khác đại diện cho di sản này. Đây là di sản chung của nhiều nhóm dân tộc ở Việt Nam, do đó việc ghi danh sẽ khuyến khích đối thoại và tôn trọng sự đa dạng văn hóa ở cấp địa phương. Sự sáng tạo của con người sẽ phong phú hơn vì các yếu tố nghệ thuật của di sản bao gồm những bộ trang phục, điệu múa và âm nhạc chiếm một vị trí quan trọng trong lễ hội.

Tình Lê