Lời tòa soạn: 

Net Zero đang là xu hướng chung trên toàn cầu. Trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Thị trường carbon toàn cầu đang phát triển nhanh cả về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia.

Việt Nam là một trong số 60 quốc gia trên thế giới có khả năng bán tín chỉ carbon từ rừng và nông nghiệp. Loạt bài Khai thác tiềm năng tín chỉ carbon, thu nghìn tỷ do VietNamNet thực hiện góp thêm góc nhìn về tiềm năng và thị trường tín chỉ carbon hiện nay, đồng thời thể hiện nỗ lực của ngành nông nghiệp trong giảm phát thải, hướng tới bán tín chỉ carbon.

Phát triển kinh tế xanh, sản xuất bền vững đang là "trend" tại Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tín chỉ carbon cũng trở thành từ khóa “hot” được nhiều người quan tâm.

Cuối năm 2023, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ký các văn bản chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2 ở vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Thế giới. Đơn giá chuyển nhượng là 5 USD/tấn carbon. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam thu được tiền từ bán tín chỉ carbon rừng.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) - đã có những lý giải xung quanh câu hỏi Vì sao Việt Nam chỉ bán 5 USD/tín chỉ carbon rừng.

tran quang bao.jpg
Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Hương Quỳnh

- Là cơ quan quản lý rừng, ông có thể nói rõ hơn về tín chỉ carbon và 1 tín chỉ carbon hiện nay được tính như thế nào?

Ông Trần Quang Bảo:

Theo Luật bảo vệ môi trường, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (C02) hoặc một tấn khí C02 tương đương. 

Đối với lâm nghiệp, tín chỉ carbon là chứng nhận kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ được tạo ra từ các hoạt động giảm nhẹ phát thải, loại bỏ, hấp thụ carbon. 

Việc tạo ra tín chỉ carbon cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn carbon cụ thể theo yêu cầu của thị trường carbon và được bên thứ ba, độc lập thẩm định và xác minh. 

Để xác định được tín chỉ các bon rừng hiện nay cần: xác định được lượng phát thải/hấp thụ trong giai đoạn tham chiếu; xác định lượng phát thải/hấp thụ trong giai đoạn thực hiện; trên cơ sở phát thải/hấp thụ tham chiếu và lượng phát thải/hấp thụ trong giai đoạn thực hiện, xác định lượng giảm phát thải, lượng hấp tăng thêm sau khi đã trừ đi một lượng phát thải/hấp thụ dự phòng dựa trên độ không chắc chắn của tính toán, các rủi ro, đảo nghịch phát thải.

- Trong bối cảnh chuyển đổi sang sản xuất xanh, giảm phát thải đang là xu thế chung trên toàn cầu, ông có đánh giá gì về tiềm năng tín chỉ carbon rừng ở nước ta? 

Diện tích rừng (gồm diện tích rừng chưa đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ) là trên 14,86 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên gần 10,13 triệu ha, rừng trồng hơn 4,73 ha.

Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là gần 13,93 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%.

Cục Lâm nghiệp đang triển khai nghiên cứu tiềm năng tín chỉ carbon rừng cho giai đoạn đến năm 2023 để xác định hướng đi cụ thể cho việc tham gia thị trường các bon rừng. 

- Ở châu Âu có thể được bán từ 120-150 USD/tín chỉ carbon rừng, các thị trường khác có thể bán 70-100 USD. Vậy, tín chỉ carbon ở những quốc gia này khác gì với tín chỉ carbon ở Việt Nam? Vì sao lại có sự chênh lệch về giá như vậy thưa Cục trưởng?

Thực tế, thị trường carbon trên thế giới tồn tại dưới 3 hình thức gồm: thị trường carbon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC); thị trường carbon quốc tế tự nguyện; thị trường carbon nội địa.

Trong đó, thị trường carbon trong khuôn khổ UNFCCC được thành lập để các quốc gia thành viên mua bán, trao đổi tín chỉ carbon với nhau.

w khu rung 1 199.jpg
Tín chỉ carbon rừng của Việt Nam chỉ giao dịch được trên thị trường tự nguyện. Ảnh: Hoàng Anh

Thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ carbon để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh trước công chúng và nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa. 

Thị trường carbon tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Do vậy giá bán tín chỉ carbon được điều tiết bởi thị trường cung - cầu.  

Hiện nay, mức giá carbon trên thị trường tự nguyện trên thế giới thường dao động từ 2-4 USD/tấn CO2. Trong đó, giá carbon trung bình của các chương trình/dự án tại khu vực Châu Á biến động qua các năm 2019, 2020, 2021 lần lượt là 1,8; 1,6 và 3,09 USD/tấn CO2. 

Theo dõi trang carboncredits.com cập nhật và thị trường carbon trên thế giới, mức giá carbon của hệ sinh thái tự nhiên ngày 22/3/2024 là 1,07 USD/tấn CO2. 

Thị trường carbon nội địa do quốc gia hoặc vùng lãnh thổ quy định và được thành lập, vận hành nhằm mục tiêu thực hiện các cam kết giảm phát thải của quốc gia, vùng lãnh thổ đó. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp được giao hạn ngạch phát thải và nếu vượt quá hạn ngạch được giao thì phải đóng thuế hoặc mua hạn ngạch, tín chỉ carbon. 

Vì vậy, đối với thị trường carbon nội địa, giá bán sẽ phụ thuộc vào quy định chính sách của quốc gia. Trên thế giới đang có gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành thuế carbon với mức dao động từ 1-137 USD/tấn CO2. 

Thị trường carbon của Liên minh châu Âu là thị trường carbon đầu tiên trên thế giới (hoạt động từ năm 2005) và có quy mô lớn nhất, chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải carbon toàn cầu. 

Trên carboncredits.com cập nhật và theo dõi thị trường carbon trên thế giới, mức giá carbon tại thị trường EU ngày 22/3 là 59,37 EURO/tấn CO2. Thị trường carbon của EU không cho phép tín chỉ carbon được tạo ra từ các quốc gia ngoài EU giao dịch trên thị trường. 

- Vậy, chúng ta cần đáp ứng những điều kiện gì để có tín chỉ carbon rừng chất lượng và bán được giá cao như các nước ở châu Âu thưa ông?

Hiện nay, tín chỉ carbon rừng của Việt Nam chỉ giao dịch được trên thị trường tự nguyện. 

Theo đó, yếu tố chính quyết định giá bán tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện gồm: tính dài hạn của tín chỉ carbon tạo ra; các rủi ro từ các chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon như đảo nghịch, dịch chuyển phát thải; sự tuân thủ về đảm bảo an toàn môi trường xã hội; tính minh bạch, chính xác của chương trình và dự án tạo tín chỉ carbon. 

Ngoài ra, sự tham gia và hưởng lợi của cộng đồng địa phương cũng ảnh hưởng tới giá bán tín chỉ carbon. 

Do vậy, tín chỉ carbon rừng của Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ các yếu tố trên, đồng thời cần có cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, minh bạch cho cộng đồng địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. 

- Việt Nam là một trong 60 quốc gia trên thế giới có thể bán được tín chỉ carbon từ rừng. Việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon cũng đang được thúc đẩy. Khi đó, giá tín chỉ carbon từ rừng có thể cao hơn mức 5USD?

Rất khó để trả lời về giá tín chỉ carbon rừng khi giao dịch trên sàn giao dịch lúc vận hành thị trường carbon trong nước. 

Bởi lẽ, khi giao dịch trên sàn, mức giá của tín chỉ carbon rừng sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố của thị trường như cung - cầu, chất lượng của tín chỉ, cũng như sự tương quan của tín chỉ carbon rừng với các loại tín chỉ khác trên sàn giao dịch.