Ngồi trong căn phòng khách rộng chừng 20m2, ông Nguyễn Chí Tình cẩn thận lật giở từng trang ghi chép tay đã ố màu, trong đó có những trang “tuổi” đã ngót nghét gần 70. Phần lớn không gian xung quanh căn phòng cũng đều được ông “trưng dụng” để lưu giữ sách. 

Sau nhiều lần di chuyển và thất lạc do bom đạn chiến tranh, số sách ông còn giữ được đến nay là gần 5.000 cuốn. 

Trong số đó, có nhiều cuốn tuổi đời lên tới hơn 100 năm. Ông Tình coi chúng như “báu vật”, bởi với ông, đây là “vốn quý” sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực văn chương và làm báo.

Ông Nguyễn Chí Tình là con thứ hai trong gia đình có 3 anh em. Cha của ông – nhà văn, nhà báo Nguyễn Đức Bính, từng mở trường tư thục Lễ Văn vào những năm 40 của thế kỷ trước. Đây cũng là nơi nhà văn Hoài Thanh, nhà văn Ngô Tất Tố, nhà thơ Trần Hữu Thung,... rất hay lui tới.

Cũng giống như nhiều trí thức cùng thời, cha ông luôn lấy sự học làm đầu. Do đó, việc học của các con cũng được xem trọng, răn dạy kỹ lưỡng và nghiêm túc.

“Cha tôi vốn là một người nghiêm khắc và trọng sự học. Chuyện xin mua quần áo có thể rất khó, nhưng khi các con muốn mua sách, ông thường đồng ý rất vui vẻ.

Cả cha và mẹ đều luôn dạy chúng tôi rằng: “Nhân bất học bất tri lý”, tức “con người ta không học sẽ chẳng thể hiểu đạo lý làm người”.

6-7 tuổi, ông Tình và các anh em đã được cha hướng dẫn tự học ngoại ngữ. Sống trong môi trường phi bản ngữ, cách ông được cha chỉ dạy là học thuộc những bài văn, thơ hay nước ngoài và luôn tập “dịch ngược” từ tiếng nước ngoài sang tiếng mẹ đẻ.

Học kỹ và ghi nhớ những từ vựng mới, chỉ sau 2 năm, ông Tình đã có thể đọc nhuần nhuyễn sách tiếng Pháp.

Không chỉ xem trọng ngoại ngữ, ông còn được cha dạy dỗ phải luôn giữ gìn và trân quý sách vở, tri thức.

“Điều này có lẽ ảnh hưởng từ bà nội tôi – vợ của chí sĩ Hoàng Trọng Mậu. Cụ luôn luôn cấm các con giẫm lên bất kể tờ giấy, quyển sách nào rơi xuống nền nhà”.

Hiểu được tầm quan trọng của tri thức nên trong giai đoạn chiến tranh, chưa cần nghĩ đến an nguy của bản thân, với ông Tình, sách vở phải an toàn trước. Những thứ ông thường ôm theo xuống hầm trú ẩn là những bọc sách quý mà ông giữ gìn hơn cả tính mạng.

18 tuổi, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn cuối, thay vì lựa chọn tiếp tục đi học, ông Nguyễn Chí Tình hăng hái xung phong lên đường tới Tây Bắc.

“Tôi quyết tâm vào thanh niên xung phong với hai ý nghĩ: là thanh niên phải dám xông pha phục vụ đất nước, bởi “khi đất nước cần, thanh niên xung phong”; thứ hai, chí hướng của đời tôi là viết văn, làm thơ, cống hiến cho văn chương. Một khi đã muốn sáng tác, cần phải xông vào thực tiễn”.

“Trường học” thực tế, dù gian khổ, nhưng là nơi khiến ông trưởng thành nhanh nhất và thu thập được những chất liệu quý giá. Cứ thế, ông lao vào thực tiễn. Nơi nào khó khăn, gian khổ nhất, ông đều dấn thân để lấy chất liệu viết bài.

Nơi đầu tiên ông đi tới là Tây Bắc, với quãng đường đi bộ hơn 600 cây số. Chàng trai trẻ từng nhiều lần kiệt sức, thậm chí suýt chết ở gần biên giới.

Sau đó, ông làm công nhân tại công trường 111 – một trong những công trường gian khổ nhất của đất nước lúc bấy giờ, đến công trường xây dựng Nhà máy chè Phú Thọ,… 

Năm 1956, sau hơn 2 năm thử thách, ông được điều về làm phóng viên Báo Tiền Phong.

Từ đó đến nay, ông Nguyễn Chí Tình trở thành người cầm bút chuyên nghiệp, trải qua các cơ quan khác nhau như Báo Tiền Phong, Nhà xuất bản Thanh niên, Hội văn nghệ Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội.

88 tuổi, trải qua nhiều biến thiên của cuộc đời, dù sức khỏe có thể giảm sút, nhưng ông Tình vẫn giữ cho mình thói quen tích cực là đọc sách và học ngoại ngữ.

“Tôi rất thích đọc sách. Bất cứ khi nào có thể, tôi đều đọc. Sách giúp tôi rất nhiều. Cũng có thể nói, tôi trưởng thành là nhờ sách”.

Ông đọc sách rất cẩn thận. Khi đọc xong một quyển, ông sẽ tóm tắt và ghi chép lại những đoạn hay. Cho rằng “kiến thức lưu chuyển đi chỉ là thông tin, thông tin đọng lại mới thành kiến thức”, với ông, chuyện đọc lướt là một điều cấm kỵ.

Đến nay, điều khiến ông cảm thấy vui và tự hào nhất là được cả 4 thế hệ trân quý sở thích này. 

“Ngày còn bé, tôi được ông cụ ưu tiên mua sách cho. Sau này, tôi lại được bạn bè tặng rất nhiều. Đến thế hệ các con, biết bố thích đọc sách nên đi tới đâu, gặp cuốn nào quý cũng đem về bằng được. Một vài năm nay, cháu nội biết ông thích sách nên mỗi lần về nhà cũng đều mua sách tặng ông”.

Ngoài việc đọc, ông Tình còn duy trì thói quen học ngoại ngữ. Với ông, ở độ tuổi 88, vẫn còn niềm đam mê làm việc và học tập, đó một hạnh phúc. 

“Tôi thường tự học từ sách. Từ nào không biết, tôi lại giở từ điển ra tra, sau đó ghi chép lại từ vựng ra những cuốn sổ tay, để khi rảnh lại tranh thủ lôi ra ôn tập.

Tất nhiên, ở độ tuổi gần 90, rất mệt khi phải ghi nhớ. Nhiều người thường hỏi tôi, tuổi này còn học làm gì nữa. Nhưng mỗi khi cảm thấy nản, tôi lại nhớ về thằng bé năm 12 tuổi, chỉ ăn khoai sắn, giữa gió Lào bỏng rát vẫn kiên trì cầm quyển sổ từ tự học một cách say mê. Thế là tôi như được tiếp thêm động lực để học”.

Thông thạo tiếng Pháp, ông lại học tiếng Anh bằng tiếng Pháp, sau đó học tiếng Nga bằng tiếng Anh.

Năm 2015, nhận được lời mời của các con sang Tây Ban Nha du lịch, không chấp nhận việc “mù ngoại ngữ”, trước khi lên đường 3 tháng, ông lại tự học tiếng Tây Ban Nha. 

Dù chỉ là những câu giao tiếp cơ bản và vẫn phải sử dụng thêm tiếng Pháp, tiếng Anh, nhưng với sự giúp đỡ của cháu nội, ông Tình đã thực hiện được hàng trăm cuộc phỏng vấn trực tiếp với các nhân vật ở Tây Ban Nha, từ các doanh nhân, giáo sư, đến những người bình thường mà ông cảm thấy ấn tượng khi gặp.

Cuốn “Nơi ấy Tây Ban Nha” dài hơn 600 trang cũng được ông viết từ những trải nghiệm trong suốt khoảng thời gian ấy.

Cho rằng để học ngoại ngữ, thông minh chỉ là một phần, với ông, sự kiên trì vẫn là điều quan trọng nhất.

“Bỏ dở 1 ngày không học là có thể bỏ được 2 ngày; bỏ được 2 ngày là có thể bỏ được 1 tuần; bỏ được 1 tuần là bỏ được tất cả. Cho nên, cần phải kiên trì học tập mỗi ngày”, ông Tình nói.

Về chuyện viết, ông Tình coi đây là “cái nghiệp mà mình phải làm”. Có hai lần tưởng chừng suýt bị mù, ông vẫn cố xoay sở mọi cách để có thể duy trì việc viết.

“Lần thứ nhất tưởng mù là khi tôi đi công tác ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tại đó hố bom rất nhiều, anh em thường rửa mặt khá bừa bãi. Có một thời gian, mắt tôi tự nhiên mờ đi không rõ nguyên nhân. Bác sĩ khi nghe vậy chỉ im lặng rất lâu rồi nói “có lẽ anh đến hơi muộn”.

Tôi nghĩ mình mù thật rồi. Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là làm thế nào để tiếp tục làm việc được.

Thời điểm đó, lương của tôi chỉ được 45 đồng. Tôi đã dùng toàn bộ số tiền ấy để thuê một người thư ký. Không thể dùng mắt, tôi đọc lại những gì mình nghĩ ra trong đầu để cô ấy viết lại”.

Cuốn tiểu thuyết “Đứa con của mỏ” và hàng chục truyện ngắn cũng được ông Nguyễn Chí Tình viết ra trong giai đoạn ấy, hoàn toàn nhờ người ghi chép hộ.

Ngoài việc viết, vai trò của ông khi còn công tác tại NXB Thanh Niên là nhận xét các bản thảo để duyệt in sách.

Mắt không thể nhìn, người thư ký này đã đọc cho ông nghe những bản thảo dài hàng trăm trang. Dù vậy, ông vẫn có thể nhớ được từng chương, sau đó đọc nhận xét để thư ký ghi chép lại.

Cũng nhờ thế, công việc vẫn không bị đình trệ dù mắt ông không thể nhìn thấy được.

Sau lần ấy, năm 86 tuổi, đôi mắt ông tiếp tục gặp vấn đề trong một thời gian. Ông tự làm một chiếc khuôn căn dòng bằng tờ bìa. Thông qua đó, ông vẫn có thể sờ và viết theo từng dòng mà không xô lệch. Gần 30 bài thơ cũng đã được ông sáng tác trong suốt khoảng thời gian này.

Cả đời gắn với nghiệp viết, khi được các con động viên bố nên dùng sang máy tính bảng hay laptop, ông cũng đều từ chối.

“Suốt đời tôi đều viết bằng tay. Khi viết quá nhiều, tay phải đau nhức, tôi lại đổi sang tay trái.

Càng già, tôi càng thấy việc viết quan trọng vì nó giúp mình luôn phải suy nghĩ và vận dụng được những gì mình tích lũy được qua năm tháng. Tôi còn sống là còn phải viết”.

Kể từ cuốn đầu tiên vào năm 1958, đến nay, ông đã xuất bản hơn 30 tập tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, bút ký và sách nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Cuốn sách gần nhất được ông xuất bản là vào năm 2021. 

Với ông, sau gần 90 năm cuộc đời, có 3 thứ tài sản mà ông coi là vô giá.

Tài sản thứ nhất là những bản thảo đã in hoặc chưa in, trong đó có cuốn hồi ký đang viết dở về những điều xảy ra trong cuộc đời mình, dài khoảng 5.000 trang. Tài sản thứ hai là 2 vạn trang sổ ghi chép bằng tay về những nhân vật, cảnh tượng mà ông đã gặp. Tài sản thứ 3 là sách và hàng vạn trang ghi chép khi đọc sách.

“Tôi nói với các con mình rằng, khi tôi qua đời, sách là thứ duy nhất của tôi các con cần giữ lại và coi nó như gia bảo. Đây chính là vốn quý, bởi có sách mới có trí tuệ và có tôi hôm nay”, ông Nguyễn Chí Tình nói. 

Bài viết: Thúy Nga - Thiết kế: Hồng Anh

Ảnh: Thạch Thảo