Ngày 14/12, Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 63 tỉnh, thành phố và các công đoàn ngành, tổng công ty.

Chủ trì tọa đàm có ông Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ; ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn, ông Huỳnh Thanh Xuân cho biết, trong bối cảnh mới, nguồn thông tin ngày càng phong phú, đa chiều, dân chủ xã hội tiếp tục được mở rộng, dân trí không ngừng nâng cao, sự bùng nổ của công nghệ và các hình thức truyền thông gắn với công nghệ đặt ra những yêu cầu mới và ngày càng cao đối với truyền thông công đoàn.

anh 2 ba hang.jpg
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam, chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam, giai đoạn 2023 - 2028” tiếp tục được xác định là một chuyên đề quan trọng để triển khai các khâu đột phá của nhiệm kỳ.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ công đoàn với kiến thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, khoa học tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ những vấn đề đặt ra với công tác truyền thông công đoàn Việt Nam trong thời gian tới.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trong công tác truyền thông công đoàn cần tạo sự tương tác với người lao động. Thực tế cho thấy, người lao động thường làm ca, kíp, tăng ca nên thời gian dành cho việc tiếp cận thông tin còn hạn chế. Do đó, tổ chức công đoàn cần đầu tư xây dựng ứng dụng (App) để thông tin tuyên truyền đến người lao động, giúp họ có điều kiện tiếp cận thông tin ở các thời gian, địa điểm khác nhau.

Ông Nguyễn Đình Thành - đồng sáng lập Elite PR School cho rằng, tổ chức công đoàn cần ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông; quan tâm đào tạo, tập huấn nghiệp vụ truyền thông công đoàn cho cán bộ công đoàn, nhất là ở cơ sở; lồng ghép nội dung cần tuyên truyền với những nội dung mà người lao động quan tâm.

Nêu quan điểm, PGS.TS Đặng Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, cần xác định đối tượng, nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của từng đối tượng để có sản phẩm truyền thông phù hợp; đồng thời cần liên tục đổi mới, sáng tạo cách thức tuyên truyền cho phù hợp với mỗi hoạt động, mỗi đối tượng.

Truyền thông công đoàn cần “nhanh, sâu, ngắn, phẳng”

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đánh giá việc Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tọa đàm, bàn về chiến lược truyền thông ngay sau Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam là rất đúng và trúng.

Trong bối cảnh mạng xã hội và thông tin bùng nổ hiện nay, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn trong việc tuyên truyền, tiếp cận, truyền tải thông tin, cũng như tiếp cận nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hơn 11 triệu đoàn viên.

anh 1 thu truong tuan.jpg
Thứ trưởng TT&TT Phạm Đức Long chủ trì Tọa đàm cùng Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Huỳnh Thanh Xuân 

Nhấn mạnh những thách thức hiện nay trong lĩnh vực truyền thông, như truyền thông truyền thống bị sụt giảm sự quan tâm, quy mô thu hẹp hơn; môi trường thông tin internet phát triển nhanh, Thứ trưởng Long cho rằng, tổ chức công đoàn cần xác định truyền thông trên internet là mặt trận chính, bởi nếu không vượt qua được thách thức này, sẽ khó thu hút, tập hợp được đoàn viên, người lao động. 

"Công đoàn không được để trống trên mặt trận truyền thông internet", Thứ trưởng Long nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phạm Đức Long, trong công tác truyền thông, tổ chức công đoàn cần đảm bảo các yếu tố: Nhanh, sâu, ngắn, phẳng. Đồng thời, cần tập trung truyền thông trên nền tảng số và đào tạo, tập huấn kỹ năng cho cán bộ công đoàn để triển khai hiệu quả công tác này.