Tham dự lễ khởi công có Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia PGS.TS Đặng Văn Bài.

Theo đó, dự án quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kết nối khu văn hoá núi Bài Thơ với quy mô diện tích gần 1,2ha gồm các hạng mục chính: Công trình kiến trúc (lầu bát giác, nhà vệ sinh ngầm, nhà dịch vụ), cây xanh, kè, sân, đường giao thông, bậc lên xuống... 

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 213 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 154 tỷ đồng. Đến nay, đã có 11/37 hộ dân và 3/5 tổ chức nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng sớm cho thành phố triển khai dự án.

Riêng dự án mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn được thực hiện bằng nguồn tiền công đức và các khoản huy động xã hội hóa hợp pháp khác. 

W-z5311670598918-ca1265db647b99d946d15bf5c7d5384a-1.jpg
Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn sẽ được tu bổ, tôn tạo dựa trên nguyên tắc tôn trọng tổng thể cũ

Việc tu bổ, tôn tạo sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng tổng thể cũ với những yếu tố về ranh giới, vị trí các di tích gốc, không gian cảnh quan kiến trúc. 

Để chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án, ngay từ đầu năm, TP Hạ Long đã thành lập Ban vận động huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm kêu gọi, vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đối với dự án. Tính đến thời điểm hiện tại, Ban vận động đã tiếp nhận được hơn 27 tỷ đồng. 

Theo kế hoạch, thời gian thi công dự án quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá Núi Bài Thơ và mở rộng, tu bổ tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn trong khoảng 300 ngày và sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2025. 

phoi canh.jpg
Phối cảnh sau khi tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn. Ảnh: UBND TP Hạ Long

Trên địa bàn TP Hạ Long có tổng cộng 96 di tích. Cụm di tích lịch sử văn hoá núi Bài Thơ nằm trên địa bàn 2 phường Bạch Đằng và Hồng Gai.

Trong Cụm di tích lịch sử văn hoá núi Bài Thơ có đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1992.