Sáng 21/4, 13 đơn vị tạp chí tổ chức diễn đàn và lễ ký kết thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam”. 

Tại diễn đàn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đã điểm lại những dấu mốc lịch sử quan trọng trong chặng đường phát triển 98 năm qua của nền báo chí cách mạng Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ quan báo chí với sứ mệnh của mình.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm

Trong đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chủ trương “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông; sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa; tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet.

Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.

Trên cơ sở đó, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí nói chung, tạp chí nói riêng cần đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí.

Mỗi tạp chí cần xây dựng bản sắc riêng, những kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực, vấn đề nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc song song với xây dựng đội ngũ người làm báo có kiến thức chuyên môn, có năng lực làm báo, trung thực liêm chính, luôn thực hiện tốt “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo”.

Ngoài ra, luôn có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân đối với tác phẩm, sản phẩm của mình, đặc biệt là xây dựng văn hóa của người làm báo và các cơ quan báo chí.

Đại diện lãnh đạo 13 tạp chí ký kết thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết, khi nói đến văn hóa trong cơ quan báo chí cần phải xử lý tốt 5 mối quan hệ. 

"Theo quan điểm của tôi, trước hết là quan hệ văn hóa giữa cơ quan gắn chặt với người làm báo, không thể có một cơ quan báo chí văn hóa mà thiếu đi những người làm báo văn hóa. Tiếp đó là quan hệ văn hóa giữa cơ quan báo chí và công chúng; giữa báo chí và tổ chức, cá nhân; giữa báo chí và chính trị, pháp luật, đạo đức; mối quan hệ giữa phóng viên với phóng viên", ông Phúc nói.

Bà Trần Thị Lan - Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo cho biết, thời gian qua, vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc là vô cùng quan trọng.

Mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người làm báo trong cơ quan báo chí là tấm gương điển hình cho sự nghiệp đó. Do vậy, việc phát huy tinh thần văn hóa báo chí ở mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo đã và đang đóng vai trò quan trọng giúp cho cơ quan báo chí nâng cao hiệu quả trong quá trình hoạt động nghiệp vụ của đơn vị mình, phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại diễn đàn, đại diện 13 tạp chí gồm: Người Làm báo, Cơ khí Việt Nam, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Người Hà Nội, Tự động hóa ngày nay, Thương gia, Sức khỏe Cộng đồng, Bầu trời mở rộng, Dân tộc, Kinh doanh và Tiếp thị, Điện tử Nhịp sống Thị trường, Môi trường và cuộc sống đã thảo luận, trao đổi và ký kết chương trình hành động xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và nâng cao văn hóa của người làm báo Việt Nam.