Đức: Phá bỏ rào cản ngôn ngữ trong trường học

Dựa trên sự phân chia về mức độ thành thạo tiếng Anh (EPI-English Proficiency Index), năm 2022, Đức nằm trong top đầu với 616 điểm. Đồng thời, đây cũng là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho giáo dục tiếng Anh.

Xét theo khu vực kinh tế châu Âu (EEA), Đức là quốc gia đứng đầu có 4.537 cơ hội việc làm yêu cầu trình độ tiếng Anh thông thạo và xếp thứ 4 với 1.316 trường giảng dạy bằng tiếng Anh, căn cứ theo thông kế của Preply.

Tiếng Anh cũng là môn học bắt buộc ở Đức. Ngày càng nhiều trường học ở quốc gia này, sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy. So với cách dạy truyền thống của Đức, việc giảng bằng tiếng Anh có lợi thế lớn hơn về tính quốc tế hóa và khả năng cạnh tranh của người học cũng tăng lên.

Đức đưa tiếng Anh vào hệ thống giáo dục cả nước nhằm phá vỡ rào ngôn ngữ trong trường học.

Ở Đức, việc tăng cường giảng dạy bằng tiếng Anh trong trường học với mục đích phá vỡ mọi rào cản về ngôn ngữ. Để học sinh, sinh viên ở khắp nơi đều giao tiếp bằng ngôn ngữ chung của thế giới.

Đưa tiếng Anh trở thành môn bắt buộc, không chỉ giúp người học tự nâng cao trình độ ngôn ngữ, mà còn tăng khả năng thích nghi với môi trường chuyên nghiệp quốc tế.

Dạy tiếng Anh trong các trường học ở Đức là biện pháp tích cực mang lại lợi ích cho người học về mặt ngôn ngữ, văn hóa và trí tuệ. Với những học sinh, sinh viên quan tâm đến sự phát triển về văn hóa, xã hội trên thế giới nói chung, tiếng Anh sẽ là công cụ, điểm khởi đầu để họ tìm hiểu.

Hà Lan: Học tiếng Anh là bắt buộc, không phải để biết

Theo số liệu phân tích của Preply, năm 2022, người Hà Lan đứng đầu trong bảng xếp hạng về độ thông thạo tiếng Anh (EFI) với 663 điểm.

Kết quả này cho thấy, một người bình thường ở Hà Lan hoàn toàn có khả năng giao tiếp và đọc văn bản tiếng Anh dễ dàng. Bởi họ quan niệm, học tiếng Anh là bắt buộc không đơn thuần chỉ để biết.

Ngoài ra, luật pháp Hà Lan còn quy định các trường bắt buộc phải dạy tiếng Anh cho học sinh từ 10 tuổi trở lên, theo Expatica. Tuy nhiên, ngày càng nhiều trường mẫu giáo của quốc gia này đưa tiếng Anh vào chương trình học.

Hiện tại, Hà Lan đưa vào thí điểm 17 trường song ngữ trên toàn quốc, trong đó, việc dạy bằng tiếng Anh phải chiếm ít nhất 50% tổng thời lượng giảng.

Dự án này sẽ kết thúc vào năm 2023. Nếu kết quả khả quan, Hà Lan sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình các trường song ngữ để học sinh sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng ‘mẹ đẻ’. Không chỉ các trường hệ phổ thông, hiện nay nhiều trường ĐH của quốc gia này đã giảng dạy bằng tiếng Anh.

Hà Lan đứng đầu thế giới về trình độ thành thạo tiếng Anh.

Trong quá trình học, giáo viên luôn khuyến khích người học chủ động tìm kiếm tài liệu hoặc tự nghiên cứu bằng tiếng Anh. 

Nếu như, học sinh Đức chỉ học tiếng Anh trong trường, học sinh Hà Lan ngay cả khi ở nhà cũng học ngôn ngữ này thông qua các chương trình TV. Trẻ em Hà Lan được làm quen với tiếng Anh từ sớm và gần như lớn lên cùng ngôn ngữ này.

Do đó, để ngăn chặn tính quốc tế hóa, tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hà Lan Robbert Dijkgraaf thông báo ít nhất 2/3 nội dung giảng dạy trong chương trình ĐH sẽ bằng tiếng Hà Lan thay vì tiếng Anh

Thụy Điển: Chủ trương học ngoại ngữ suốt đời

Phần lớn dân số Thụy Điển nói tiếng Anh lưu loát như người bản xứ. Quốc gia này nằm trong số những nước có chỉ số thông thạo tiếng Anh (EFI) cao đạt 623 điểm, theo Expatica.

Với chủ trương học ngoại ngữ suốt đời, tiếng Anh là môn bắt buộc của quốc gia này. Theo đó, học sinh Thụy Điển phải học tiếng Anh từ lớp 4 đến lớp 12. Ngoại ngữ 2 bao gồm: tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Nga, Ý, Ả Rập, Nhật, Trung Quốc, Đan Mạch và Phần Lan...

Top 10 quốc gia đầu tư mạnh vào giáo dục tiếng Anh.

Do hiện tượng nhập cư, đến nay có khoảng 150 ngôn ngữ được sử dụng tại Thụy Điển. Hơn 50 ngôn ngữ được dùng để giảng dạy tại các trường ĐH của quốc gia này. Song tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chủ yếu.

Thậm chí, năm 2003, Thụy Điển quyết định thực hiện thí điểm chương trình phổ thông với một nửa thời lượng học bằng tiếng Anh. Đây được gọi là hệ thống giáo dục song ngữ - mô hình phổ biến ở Singapore. Đến nay, quốc gia này đã có 14 trường quốc tế đào tạo theo hệ song ngữ.

Thụy Điển được mệnh danh là một trong những quốc gia có nền giáo dục tân tiến trên thế giới. Do đó, môn tiếng Anh của nước này được xây dựng dựa trên các trình độ khác nhau, áp dụng cho việc dạy và học ngôn ngữ, phù hợp với mỗi độ tuổi.

Cộng hòa Séc: Tiếng Anh là môn bắt buộc

Bộ Giáo dục Cộng hòa Séc đang trong quá trình xây dựng lại chương trình đào tạo các cấp học. Trong đó, có nhiều người đặt ra câu hỏi: “Tiếng Anh có phải ngôn ngữ bắt buộc đối với tất cả học sinh trên toàn quốc không?”.

Giải đáp thắc mắc, ông Mikuláš Bek – Bộ trưởng Bộ Giáo dục Cộng hòa Séc khẳng định: "Hiện nay, đa số các trường đều chọn tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc". Ông cho rằng, đây là ngôn ngữ chung trên thế giới. Do đó tiếng Anh vẫn là sự lựa chọn hàng đầu cho học sinh ở quốc gia này.

Ngoài tiếng Anh là môn bắt buộc tại các trường, học sinh lớp 7 ở Cộng hòa Séc phải học thêm ngôn ngữ 2 có thể là tiếng Đức, Pháp, Tây Ba Nha hoặc Nga. Sự lựa chọn học ngoại ngữ 2 tùy thuộc vào hiệu trưởng các trường, ông Mikuláš Bek cho biết.

Mới đây, một nhóm chuyên gia của Bộ Giáo dục Cộng hòa Séc đề xuất việc chuyển ngoại ngữ 2 là môn tự chọn. Tuy nhiên, ông Mikuláš Bek bày tỏ mong muốn duy trì ngoại ngữ 2, nhưng tập trung vào kỹ năng giao tiếp cơ bản.

Thay vì để các trường tự lựa chọn, ông Mikuláš Bek đề xuất đưa tiếng Đức hoặc tiếng Pháp là ngôn ngữ 2. Tiếng Nga dần được loại bỏ trong chương trình đào tạo của nước này.

Ngoài các quốc gia trên, Ý, Đan Mạch, Ba Lan, Na Uy, Pháp và Iceland cũng coi trọng và đề cao giáo dục tiếng Anh. Ở khu vực châu Á, Singapore đứng đầu về trình độ tiếng Anh và xếp thứ 2 trên thế giới (sau Hà Lan). Trọng tâm trình độ tiếng Anh của quốc gia này nằm ở chính sách giáo dục song ngữ. 

Tầm quan trọng của việc học tiếng Anh

Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tiếng Anh trở thành công cụ không thể thiếu. 

Công cụ giao lưu văn hóa: Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, giúp chúng ta hiểu rõ các nền văn hóa khác nhau. Đồng thời góp phần thúc đẩy giao lưu giữa các nước. Việc thông thạo tiếng Anh trở thành yếu tố bắt buộc ở hiện đại.

Thông thạo tiếng Anh, là cách giúp chúng ta hiểu rõ và tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hóa. Tránh những hiểu lầm, xung đột trong giao tiếp đa văn hóa và xây dựng mối quan hệ giữa các cá nhân hài hòa.

Ngôn ngữ chung của thế giới: Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới. Nó được sử dụng trong kinh doanh, chính trị toàn cầu, văn hóa, công nghệ... 

Đối với giáo dục: Tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng đối với một số quốc gia. Hệ thống giáo dục của nhiều nước đã đưa tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận tốt hơn với kiến ​​thức toàn cầu. 

Đối với công việc: Trong thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc thông thạo tiếng Anh trở thành yêu cầu thiết yếu đối với nhiều ngành nghề. Tiếng Anh giúp cho quá trình trao đổi, giao tiếp với khách hàng, đồng nghiệp và đối tác là người nước ngoài diễn ra suôn sẻ.

Cải thiện khả năng nhận thức: Học tiếng Anh tác động tích cực đến việc cải thiện khả năng nhận thức, giải quyết vấn đề và cách suy nghĩ của mỗi người. Rèn luyện kỹ năng tư duy, diễn đạt logic, tính kiên nhẫn và bền bỉ. Bởi để thành thạo một ngôn ngữ mới đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì không ngừng.