- Sau Hà Nội, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan tổ chức đến với TP HCM.

Diễn ra từ 22 đến 29/8 tại dinh Thống nhất (TP.HCM), triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” sẽ trưng bày gần 150 bản đồ và nhiều tư liệu quí về chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo này.

Trả lời VietNamNet tại buổi họp báo sáng 16/8, ông Lê Văn Nghiêm - Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, so với 2 cuộc triển lãm đã diễn ra tại Hà Tĩnh và Hà Nội, triển lãm lần này tại TP.HCM sẽ bổ sung thêm một số tư liệu mới về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

{keywords}
Triển lãm tại TP HCM mở cửa đón khách tham quan miễn phí. Ảnh: Tá Lâm

Những tư liệu mới này chủ yếu từ sưu tầm của Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và các tư liệu của TP.HCM sưu tầm được.

“Bổ sung những tư liệu mới về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này tại triển lãm nhằm cung cấp thông tin một cách hệ thống và chuẩn xác, góp phần nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Nghiêm nói.

Gần 150 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế.

Các nhóm tư liệu chính gồm phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, tập bản đồ gồm 95 bản đồ chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ 16 đến nay.

Trong triển lãm này, 4 cuốn atlas (tập bản đồ chính thức) do các nhà nước Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1917, 1919 và 1933 như Trung Quốc địa đồ, Trung Hoa bưu chính dư đồ… cũng được trưng bày cho người dân xem.

Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày một số tư liệu, văn bản, ấn phẩm của các nước phương Tây từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ, những tư liệu, bản đồ tham gia triển lãm không chỉ là những tư liệu chính thức của Nhà nước Việt Nam mà còn là những tư liệu lưu truyền trong dân gian, được lưu trữ trong các gia đình người dân Việt Nam.

Các tư liệu cho thấy, Nhà nước Việt Nam từ thời kì phong kiến đến nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: 18 Châu bản triều Nguyễn, các bộ chính sử, địa lí, lịch sử, các công văn giấy tờ hay ghi chép khách quan của những quan chức, viên chức, học giả đang thực thi công vụ của Nhà nước.

Các nguồn bản đồ và tư liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây được đặt cùng nhau, bổ sung cho nhau sẽ giúp du khách, người dân khi tham quan triển lãm có thể dễ dàng đối chiếu, trao đổi và kiểm chứng.

Du khách tham quan triển lãm sẽ được miễn phí vé vào cổng.

Tá Lâm