Ngày 13/11, Đại học Sư phạm Hà Nam (Trung Quốc) đăng tải bài viết: "Phòng Giáo dục TP Tân Hương hủy kết quả tuyển dụng viên chức đặc biệt, khiến nhiều học viên vừa tốt nghiệp thạc sĩ mất việc làm", gây xôn xao dư luận nước này.

Chia sẻ với truyền thông, Văn phòng tư vấn tuyển sinh và giới thiệu việc làm của trường xác nhận thông tin. Đại diện trường cho biết: "Ngày 25/6, Phòng Giáo dục TP Tân Hương tổ chức 'hội chợ việc làm' diễn ra tại Đại học Sư phạm Hà Nam. Trường là cầu nối giữa học viên và nhà tuyển dụng, chứ không thể can thiệp vào kết quả cuối cùng".

Hiện tại, các trường tiểu học và trung học ở Tân Hương đã hủy thỏa thuận lao động ký trước đó với nhiều thạc sĩ. Ngày 15/11, 40 thạc sĩ của trường sư phạm Hà Nam nhận được thông báo, kế hoạch tuyển dụng viên chức bị đình chỉ và kết quả công nhận chưa được phê duyệt. 

Một thạc sĩ cho hay, sau khi họ hoàn thành tốt bài kiểm tra đánh giá và các vòng phỏng vấn, những người xuất sắc nhất được lựa chọn. Sau vòng sơ khảo, một số trường tổ chức 2-3 buổi phỏng vấn riêng. "40 người được chọn sẽ bị các trường tiểu học, trung học ở Tân Hương giữ bằng gốc, giấy tờ liên quan và ký kết thỏa thuận lao động", anh Hoàng trong danh sách 40 thạc sĩ, cho biết.

Tháng 7, anh và một số đồng nghiệp nhiều lần lên trường và Phòng Giáo dục TP Tân Hương hỏi về tiến độ tiếp theo. Nhân viên cho biết, quy trình đang thực hiện cần kiên nhẫn chờ thông báo.

Đầu tháng 9, bộ phận nhân sự phản hồi kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục gặp trục trặc. Giữa tháng 10, cơ quan này tuyên bố, kết quả trúng tuyển đợt tháng 6 chưa được cấp trên phê duyệt. Đại diện phòng giáo dục địa phương yêu cầu 40 thạc sĩ xuất sắc của Đại học Sư phạm Hà Nam tìm công việc khác, không nên chờ đợi. 

Sau thông báo này, các trường đồng loạt trả hồ sơ gốc cho 40 thạc sĩ, nhưng giữ lại thỏa thuận lao động đã ký. Chờ đợi thời gian dài, nhiều thạc sĩ cho biết sau 2 tháng tốt nghiệp là thời kỳ 'vàng son' để tìm việc, nhưng cơ hội đã 'vụt đi' vì bằng gốc bị các trường giữ.

76c97ac8bd199ef2c73f2969963762f8.jpg
40 thạc sĩ xuất sắc vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nam đứng trước nguy cơ thất nghiệp vì kết quả tuyển dụng viên chức đợt tháng 6 chưa được phê duyệt. Ảnh: Baidu

Ngày 18/11, đại diện Phòng Giáo dục TP Tân Hương phản hồi, buổi kết nối việc làm hồi tháng 6 là 'quy trình liên lạc sơ bộ ban đầu'. Lý giải việc các trường giữ bằng gốc của ứng viên, người này nói: "Giữa các bên không có gì để chắc chắn và đảm bảo với nhau, nên đây là cách để ứng viên không nộp hồ sơ vào trường khác. Đồng thời, cũng là lời hứa giữa nhà tuyển dụng và người lao động".

"Cuối tháng 6, chúng tôi đến Đại học Sư phạm Hà Nam kết nối trước. Tuy nhiên, nhà trường thông báo cho học viên đây là 'hội chợ việc làm', điều này không chính xác. Bản chất, đây là buổi chúng tôi khảo sát về nhu cầu việc làm của học viên đối với ngành giáo dục. Từ đó, chúng tôi sẽ có điều chỉnh kịp thời cho các vị trí tuyển dụng tương ứng", đại diện Phòng Giáo dục TP Tân Hương nói thêm.

Ứng viên cho hay, trong buổi kết nối việc làm ngày 25/6, ai đáp ứng được yêu cầu của các trường về trình độ và năng lực đều đã ký thỏa thuận lao động, bằng tốt nghiệp gốc, giấy tờ liên quan cũng bị giữ lại. Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của các trường, ngày 1-2/7, Trung học cơ sở Tân Hương 1 tổ chức buổi thi chọn lọc giáo viên riêng.

Thậm chí để tham gia đợt tuyển dụng đặc biệt ở Tân Hương, một ứng viên đã chấm dứt hợp đồng ký ngày 25/5 với Trường THCS Tam Á. Người này cho biết, phải bồi thường 20.000 NDT (67 triệu đồng) vì 'phá' hợp đồng.

Giải quyết hậu quả cho 40 thạc sĩ sư phạm giỏi đứng trước nguy cơ thất nghiệp, phòng giáo dục địa phương đề xuất những ứng viên đã ký kết thỏa thuận lao động với trường học, sẽ tham gia giảng dạy với tư cách là giáo viên dự bị. Hiện, có 26/40 thạc sĩ chấp nhận công việc tạm thời này. 

Trong đó, một thạc sĩ tiết lộ, trước mắt sẽ thực hiện theo kế hoạch này. Tuy nhiên, đây là vị trí chỉ dành cho người lao động tạm thời, mức lương từ 1.800-2.000 NDT/tháng (6,1-6,8 triệu đồng). Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, người này dự định tham gia kỳ thi tuyển dụng giáo viên lần nữa.

Ứng viên khác phẫn nộ nói: "Nếu biết trước 3-4 tháng, chúng tôi vẫn có cơ hội. Đến giờ này lợi thế của chúng tôi mất đi nhiều, bởi kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục tiếp theo dành cho đối tượng tốt nghiệp năm 2024. Chúng tôi không còn tư cách là học viên mới tốt nghiệp".

Để làm giảm sức nóng bàn tán của dư luận, Phòng Giáo dục TP Tân Hương cho rằng, các ứng viên và trường đại học không nên lãng phí thời gian vào vụ việc: "Thay vào đó, mọi người nên dành thời gian chuẩn bị cho kỳ tuyển dụng viên chức sắp tới hoặc tìm việc khác. Tiếp tục gây rối cũng không giải quyết được gì".  

"Chúng tôi vừa là cơ quan tổ chức kỳ thi tuyển dụng giáo viên vừa là đơn vị sử dụng người lao động. Do đó, chúng tôi hiểu rõ áp lực của ứng viên đang gặp phải. Chúng tôi hy vọng, kỳ thi tới các thí sinh sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra", đại diện phòng giáo dục nói.

Hiện tại, Phòng Giáo dục TP Tân Hương không công khai các bước xử lý tiếp theo. Người này cho biết, vẫn đang nỗ lực từng ngày phối hợp với các ban, ngành để giải quyết vấn đề.

Theo China News