Trong phiên họp ngày 12/10 tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 diễn ra tại Quảng Ninh, Tuyên bố Hạ Long về "Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN" đã được thông qua với sự tán thành cao của các quốc gia thành viên.

Tuyên bố gồm 7 nội dung. Đầu tiên là mục tiêu đến năm 2025 đưa ASEAN trở thành khu vực tiên phong trong thay đổi bối cảnh quản lý thiên tai; củng cố vai trò lãnh đạo của ASEAN, duy trì cách tiếp cận sáng tạo, xây dựng mạng lưới, tài chính bền vững, quản trị liên ngành và đa tầng, lấy người dân làm trung tâm.

Thứ hai, ASEAN tái cam kết hỗ trợ thực hiện khung về hành động sớm trong quản lý thiên tai, thúc đẩy và nhân rộng các phương pháp tiếp cận hành động sớm để bảo vệ người dân, tài sản, sinh kế trước thiên tai tiềm tàng có thể xảy ra.

Thứ ba, ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống quản lý rủi ro thiên tai, đặc biệt xây dựng 3 trụ cột gồm: Thông tin về rủi ro thiên tai, hệ thống dự báo và cảnh báo sớm; lập kế hoạch, vận hành và thực hiện, phân bổ kinh phí hỗ trợ.

toan canh hoi nghi asean.jpeg
Toàn cảnh phiên họp

Thứ tư là, các thành viên ASEAN cam kết nỗ lực cải thiện hệ thống thông tin rủi ro, dự báo và cảnh báo sớm ở cấp khu vực và quốc gia. Các nước sẽ khuyến nghị Ủy ban Quản lý thiên tai và Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) nghiên cứu và xây dựng các cơ chế chia sẻ dữ liệu chất lượng trong khu vực và với các đối tác. 

Tiếp đến, ASEAN thống nhất tăng cường việc lập kế hoạch, thực hiện các hành động sớm trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai ở cấp khu vực và cấp quốc gia. "Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện tuyên bố ASEAN về Một ASEAN, Một Ứng phó: ASEAN ứng phó với thiên tai như một thực thể trong và ngoài khu vực", nội dung thứ năm nêu.

Để thực hiện những điều trên, tuyên bố chung nêu rõ nội dung thứ sáu, là các nước khuyến khích thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn nhằm triển khai hành động sớm trong quản lý thiên tai. Vấn đề này sẽ được thực hiện thông qua việc thúc đẩy hợp tác liên ngành với các ngành khác trong ASEAN.

Cuối cùng, tuyên bố chung nhấn mạnh giá trị và sự cấp thiết của việc hợp tác, xây dựng quan hệ đối tác và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là hỗ trợ quá trình đào tạo và tăng cường thông tin rủi ro.

Sẵn sàng vượt qua những thách thức về biến đổi khí hậu

Trước đó, thực hiện vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) năm 2023, ACDM Việt Nam đã đề xuất sáng kiến xây dựng Tuyên bố Hạ Long về "Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN". Lấy cảm hứng từ chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu: ASEAN hướng tới vai trò lãnh đạo toàn cầu trong Quản lý thiên tai”, ACDM đã làm việc và xây dựng dự thảo Tuyên bố Hạ Long.

Cụ thể, ngày 4/7/2023, Tuyên bố Hạ Long đã được Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai chấp thuận. Tiếp đó, ngày 12/10, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN này, Tuyên bố Hạ Long đã được ACDM Việt Nam trình bày và thông qua với sự đồng thuận cao của các quốc gia thành viên.

Tuyên bố nhằm tăng cường thực hiện Hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN, khuyến nghị các Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống quản lý rủi ro thiên tai để đưa ra các hành động sớm.

Bên cạnh việc chính thức thông qua Tuyên bố Hạ Long, hội nghị còn tập trung thảo luận các nội dung gồm: Định hướng hoạt động trong thời gian tới cho Ban Quản trị Trung tâm AHA; quy tắc tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp; ghi nhận Tuyên bố các nhà lãnh đạo ASEAN về chống chịu bền vững được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia.

mua lu 439.jpeg
Một góc xã Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị chìm sâu trong biển nước hồi tháng 10/2022. Ảnh: Lê Dương

Hội nghị bộ trưởng diễn ra tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) từ ngày 8-13/10 với sự tham gia của 8 bộ trưởng, 4 thứ trưởng và hơn 140 đại biểu quốc tế thuộc cơ quan về quản lý thiên tai, thảm họa từ các nước ASEAN, các đối tác của khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương trước thiên tai trên thế giới. Theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc về châu Á - Thái Bình Dương, các thảm họa thiên nhiên bao gồm lũ lụt, bão, nắng nóng, hạn hán, động đất và sóng thần đã làm các quốc gia trong khu vực chịu thiệt hại kinh tế trung bình hàng năm 86,5 tỷ USD.

Tại Việt Nam, hơn 30 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm khoảng 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế 1-1,5% GDP.

Do đó, qua hội nghị, các quốc gia ASEAN với tinh thần đoàn kết, củng cố lòng tin chiến lược, chân thành hợp tác trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi.

Các quốc gia ASEAN sẵn sàng vượt qua những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, bảo vệ những thành quả phấn đấu trong nhiều năm; cùng đưa ASEAN tiếp tục trở thành khu vực phát triển, thịnh vượng và an toàn trên thế giới.