Ở hai đầu chiến tuyến

Một chiều cuối tháng 4, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Hoàng Văn (78 tuổi, ở quận Phú Nhuận), để nghe ông kể về thời khắc đoàn tụ với cha (cán bộ cách mạng) trong những ngày non sông thống nhất.

Ngược dòng thời gian, ông Văn kể, cha ông tên Lê Văn Nhường (còn gọi là Tư Nhường), là công nhân nhà máy Ba Son, tham gia cách mạng trước năm 1945. Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông bị lộ, phải rút vào cứ, biền biệt với gia đình.

anh tu lieu.jpg
Ông Lê Văn Nhường (Tư Nhường) và vợ chụp năm 1976. Ảnh tư liệu gia đình cung cấp

“Theo mẹ tôi kể, mãi đến năm 1954, cả gia đình mới may mắn được đoàn tụ một ngày trên bến tàu trước khi ông tập kết ra Bắc. Lúc ấy, tôi vừa lên 8 tuổi, mới biết mặt cha lần đầu” - ông Văn nhớ lại.

Khi ra Bắc, cha ông được biên chế vào nhà máy đóng tàu Hải Phòng, với vị trí Phó Giám đốc. Ở lại Sài Gòn cùng mẹ, nhà nghèo, ông Văn phải đi ở cho một người bà con để có tiền ăn học. Nhưng rồi việc học cũng dở dang. Đến năm 1965, ông bị bắt đi lính, thuộc biên chế Hải quân khi vừa 18 tuổi.

“Oái oăm thay, cha tôi là Phó Giám đốc nhà máy đóng tàu, tham gia sửa chữa tàu không số cho tuyến đường mòn trên biển. Còn tôi, lại biên chế vào Hải quân, một trong các lực lượng chuyên săn tìm và ngăn chặn tàu không số”, ông Văn bồi hồi nhớ lại.

Tuy nhiên, trong thời gian đi lính, ông cho biết chưa hề cầm súng ra chiến trường. Vì ông luôn ghi nhớ lời dặn của cha, dù có đi quân dịch thì cũng gắng làm ở các bộ phận kỹ thuật, tránh cầm súng ra trận.

“Thực tế, dù cha tôi ở Bắc, nhưng vẫn liên lạc thư từ với gia đình qua đường dây bí mật. Do đó, biết tôi bị bắt đi lính, ông đã dặn dò qua thư từ, tránh làm sao để không ra chiến trường”, ông Văn chia sẻ và kể thêm, ông đã cố gắng xin được chân lái xe phục vụ Tùy viên Tư lệnh Hải quân.

Con trai chào đời đúng thời khắc lịch sử

Lần mở những ký ức, ông Văn bồi hồi nhớ lại thời khắc những ngày cuối tháng 4 với nhiều gam màu cảm xúc.

Ông kể, tối 29/4/1975, Tùy viên Tư lệnh Hải quân điện thoại kêu ông đến nhà gấp để xuống tàu di tản ra Phú Quốc, sau đó qua đảo Guam.

Nhưng ông đã từ chối, bởi vợ ông cũng đến ngày sinh nở, mà cha ông, nghe đâu cũng đang hành quân vào Sài Gòn nên ông muốn ở lại đoàn tụ cùng cha.

W-bai-30-4-1-2.jpg
Ông Lê Hoàng Văn xem lại bằng khen của cha khi gợi mở câu chuyện đoàn tụ gia đình sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Ảnh: Hồ Văn

“Khoảng 23h ngày 29/4, vợ tôi trở dạ. Tôi dùng xe máy chở vợ vào bệnh viện tư nhân gần khu vực Lăng Ông Bà Chiểu để chờ sinh. Khi ấy, tôi phải cầm theo cây đèn bão, vừa chạy xe vừa hô to “vợ đẻ, vợ đẻ”…để người ta biết mà nhường đường", ông Văn kể lại thời khắc đặc biệt của đời mình.

Sáng 30/4, dù vợ vẫn chưa sinh, nhưng ông phải vội trở về nhà để nghe ngóng tình hình và không dám ra đường vì khi ấy tình hình rất hỗn loạn.

Ngồi bên cạnh, vợ ông Lê Hoàng Văn cũng góp chuyện: “Nằm chờ sinh mà bên ngoài tiếng súng vang khắp nơi tôi sợ lắm. Phần vì lo cho con mình, phần sợ cho chồng ở nhà không biết sao. Nhưng mấy cô y tá bảo cứ lo cho "mẹ tròn con vuông" đi, mấy ổng không vào đây đâu mà sợ”.

Ông Văn cho biết, lúc đó ở nhà, lòng nóng như lửa, không biết vợ đã sinh chưa? Bên ngoài tiếng súng vẫn “đì đùng” khắp nơi càng tăng thêm nỗi lo.

“Đến khi tiếng súng ngưng bặt, tôi chạy vào bệnh viện thì vợ đã sinh con trai. Các y tá trong bệnh viện cho biết, vợ tôi sinh con đúng 11h trưa ngày 30/4. Hai ngày sau, tôi đưa hai mẹ con về nhà”, ông Văn bồi hồi nhớ về thời khắc đầy cảm xúc của mình.

Chờ 20 năm, trùng phùng trong giây lát

Sau khi “mẹ tròn con vuông”, ngày 2/5, ông Văn lại chạy xe máy cùng anh rể đi tìm cha. Qua đường dây thư từ trước đây, ông biết cha mình theo các cánh quân đã vào Sài Gòn, với nhiệm vụ cán bộ tiếp quản.

Ra tới địa điểm tụ quân tại một nhà hát, thuộc trung tâm thành phố, ông Văn nhờ người lính lên thông báo cho cha mình biết là con trai đang tìm ông.

“Lát sau, cha tôi chạy xuống ôm chầm lấy tôi, hỏi han vài câu về sức khỏe, gia đình. Song ông cho biết phải đi ngay, vì nhiệm vụ tiếp quản đang cấp bách, khi nào tình hình ổn định ông mới về đoàn tụ cùng gia đình”, ông Văn nhớ lại thời khắc ngắn ngủi gặp cha.

Khi cha lên xe, đi về hướng Gia Định để tiếp quản nhà máy nước, ông Văn cùng anh rể vẫn chạy xe máy theo cha.

“Lúc ấy trong tôi vui buồn lẫn lộn. Cha con xa nhau hơn 20 năm, giờ trùng phùng chỉ trong giây lát, nhưng tôi không trách cha, vì ông phải gạt tình riêng để lo việc chung”, ông Văn chia sẻ.

Hai ngày sau khi tiếp quản nhà máy nước, ông Tư Nhường đã trở về đoàn tụ cùng gia đình sau bao năm chiến tranh chia cách.

“Về tới nhà, điều bất ngờ nhất đối với cha tôi khi biết cháu trai của ông sinh ra đúng thời khắc giải phóng. Ông nói với chúng tôi, đó là điều rất đặc biệt với ông. Chính cha tôi đã đặt cho cháu trai cái tên Lê Thanh Bình”, ông Văn nhớ lại.

W-bai-30-4-2-2.jpg
Hiện nay, ông Lê Hoàng Văn đã nghỉ hưu và vui thú điền viên bên gia đình. Ảnh: Hồ Văn

Còn ông Văn, ba ngày sau khi gặp cha, ông phải đi trình diện học tập cải tạo theo quy định của cách mạng. Tuy nhiên, do chỉ là cấp bậc trung sĩ, chưa cầm súng ra trận nên ông cũng chỉ học tập ba ngày rồi được về với gia đình.

Học tập cải tạo xong, ông được cha (khi đó là tổ trưởng quân quản, trưởng khu cấp nước Gia Định) nhận vào làm công nhân nhà máy cấp nước.

Về chuyện này, ông Văn vẫn "tủi thân" mỗi khi nhắc lại. Tiếng là con thủ trưởng, nhưng ông lại được phân công làm những công việc nặng nhọc nhất như đào đường, sửa chữa, lắp đặt ống nước.

Trong cơ quan, có người ái ngại gợi ý chuyển việc cho ông nhẹ nhàng hơn, nhưng cha ông đã gạt phắt: “Trước giờ nó chỉ quen hưởng thụ bơ, sữa, rượu Tây, chọn việc nhẹ nhàng. Hỏng rồi. Cần rèn luyện nhiều hơn mới mong trở thành người có ích cho xã hội”.

Sau này, cũng vì ngại mang tiếng cho cha nên ông Văn xin chuyển về làm việc ở Công ty Cơ khí Lữ Gia cho đến ngày nghỉ hưu.

Người cha Lê Văn Nhường đã mất năm 1986, còn hai vợ chồng ông Văn hiện sống tại căn nhà trong một con hẻm ở phường 7, quận Phú Nhuận. Ông bà có ba con trai, hai con gái đều là cán bộ làm việc trong ngành điện và cấp nước thành phố.